Top

Thủ tục cấp đổi giấy hồng: Nhiêu khê, nên dân vẫn bị “hành”

Cập nhật 29/10/2007 11:00

Nơi bị “hành”…

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến khu vực làm thủ tục hợp thức hóa nhà và cấp đổi chủ quyền nhà thuộc UBND quận Gò Vấp. Tại đây, có gần 50 người đang ngồi chờ tới lượt mình theo số thứ tự để nộp đơn xin hợp thức hóa, cấp đổi chủ quyền nhà.

Do ngồi chờ khá lâu nên nhiều người ngáp vắn, ngáp dài, số khác thì mua vài tờ báo đọc để giết thời gian. Nhiều người cho biết, ở đây đến quá 8 giờ 30 là hết số thứ tự, do đó phần lớn họ phải đi từ sáng sớm. Anh Phương Ngọc Bạch (số 820/68 Nguyễn Kiệm, P3, Q. Gò Vấp) cho biết: “Tôi đến từ lúc 7 giờ 30, chờ 1 giờ liền mà trên bảng còn đến 51 người nữa mới đến lượt. Nhẩm tính, mỗi hồ sơ được nhân viên xem xét, tiếp nhận mất 3 - 5 phút thì nhanh lắm cũng mất 2 giờ nữa… coi như mất một buổi sáng!”. Lần trước, anh đến chờ cả buổi mới đến lượt thì nhân viên tiếp nhận hồ sơ nói gọn lỏn: “Về làm lại bản vẽ hiện trạng nhà đất mới”. Không biết giờ này nhân viên tiếp nhận đòi giấy giấy gì nữa” – anh Bạch than thở. “Vì mình đã bị hành nhiều khi đi làm thủ tục cấp đổi chủ quyền nhà. Sau khi đến UBND quận mua bộ hồ sơ, tuy có 2 tờ giấy mỏng khổ A4, trị giá chưa đến 1.000 nhưng ở đây thu 10.000 đồng!”.

Còn ông Phạm Ngọc Oanh (nhà số 332/110 Dương Quảng Hàm, P5, Q. Gò Vấp ) cho biết: “Quận thông báo thời gian giải quyết hồ sơ cấp đổi giấy hồng là 45 ngày nhưng đã hơn 4 tháng nộp bổ sung hồ sơ, UBND quận Gò Vấp vẫn chưa ra giấy chủ quyền cho gia đình tôi”. Ông đã đi lại nhiều lần nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ của quận cứ bảo về nhà chờ… Nhiều người dân ở quận Bình Thạnh cũng cho biết, UBND quận Bình Thạnh luôn trễ hẹn khi giải quyết cấp đổi giấy, giải quyết hồ sơ nhà, đất. Chị Hoa, một người đi làm hồ sơ hợp thức hóa nhà cho biết, bốc số ngồi chờ 2 giờ liền mới đến lượt, thế mà họ bảo hồ sơ chưa ra, hẹn 10 ngày quay lại. Đây là lần thứ ba, nhân viên giải quyết hồ sơ thất hứa, chị đành ngậm ngùi ra về mà trong lòng ấm ức…

… Nơi đơn giản

Thực tế cho thấy, việc giải quyết hồ sơ cấp đổi giấy hồng, mỗi nơi làm một kiểu nên hiệu quả cộng việc cũng khác nhau. Cụ thể như tại UBND quận Tân Phú, nhiều người dân khen là giải quyết cấp đổi giấy chủ quyền nhanh và đúng hẹn. Trong khi đó, theo thống kê mới đây của Sở Xây dựng TP, Tân phú là quận đứng đầu danh sách các quận giải quyết, cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất nhiều nhất, chiếm 1/3 (7.000 hồ sơ) trên tổng số giấy được cấp trên toàn địa bàn TP. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú cho biết, sở dĩ quận làm được điều này là do thực hiện hệ thống kiểm soát theo tiêu chuẩn ISO, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết hồ sơ. Theo quyết định 54, thời hạn cấp đổi giấy chủ quyền là 15 ngày, nhưng quận chỉ làm trong vòng 12 ngày. Tương tự, cấp giấy chủ quyền mới 30 ngày, thì UBND quận rút xuống còn 23 ngày. Theo bà Khuê, quy trình kiểm soát ISO giúp lãnh đạo dễ dàng kiểm soát được quy trình giải quyết hồ sơ, từ đó có thể thúc đẩy quá trình giải quyết hồ sơ nhanh hơn, tránh bị ùn ứ. Các quy trình giải quyết hồ sơ đều minh bạch hóa và đúng hẹn với người dân tránh được những tiêu cực, nhũng nhiễu từ các khâu giải quyết.

Có thể nói UBND quận Tân Phú có cách làm cần được nhân rộng, nhưng vì sao trên thực tế một số quận huyện vẫn duy trì cách làm cũ, thiếu khoa học khiến người dân kêu ca? Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có quy định chuyển đổi việc cấp giấy chủ quyền từ TP về các quận, huyện thì xuất hiện một số công chức phường, quận trở thành “cò” thủ tục nhà đất. Bởi đây là mảnh đất béo bở, mỗi tháng chỉ cần làm 2 - 3 hồ sơ thì loại “cò công chức” này dễ dàng bỏ túi không dưới 10 triệu đồng. Nhiều người dân ngán ngẩm, than rằng, không giao cho những “cò” này thì hồ sơ bị ngâm hoặc bị trả về để bổ túc nhiều lần rất mất thời gian. Phải chăng, đây là một trong những nguyên nhân khiến các quận, huyện chậm tiếp nhận quy trình giải quyết mới cho người dân?

Thêm vào đó, việc thay đổi giấy chủ quyền xoành xoạch cũng gây xáo trộn đối với người dân. Một cán bộ lãnh đạo Sở Tư pháp TP thừa nhận, thời gian qua, chúng ta đặt ra quá nhiều loại giấy chủ quyền về nhà, đất khiến người dân khổ sở. Thực chất, người dân chỉ cần có giấy chứng nhận tài sản của họ là đủ, không cần đó là giấy trắng, giấy hồng hay giấy đỏ. Bởi việc thay đổi giấy hồng, giấy đỏ thực chất chỉ là thay đổi hình thức bên ngoài, nội dung vẫn là chứng nhận quyền tài sản của công dân.

Theo Sài Gòn Giải Phóng