Top

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Giá nhà ở xã hội khoảng 10 triệu đồng/m2

Cập nhật 11/02/2013 08:39

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, với ưu đãi, miễn trừ của nhà nước, giá thành nhà ở xã hội phù hợp nhất trên dưới 10 triệu đồng/m2.

Việc Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được cho là giải pháp đa mục tiêu có lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã có trao đổi về vấn đề này.

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc có sự chuyển dịch các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo ông, các doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi gì khi xin chuyển đổi dự án?

Thị trường bất động sản rất ảm đảm trong thời gian vừa qua đã gây ra hệ lụy đối với thị trường khác như là thị trường tiền tệ, tài chính, lao động. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ để đưa vào các nghị quyết của Chính phủ nhiều giải pháp trong đó có giải pháp chuyển đổi một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Đây là một trong những giải pháp đa mục tiêu.

Thứ nhất, về phía những người đang gặp khó khăn về nhà, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội khác rất lớn. Hiện nay một số dự án có quỹ đất sạch, dự án đã làm xong hạ tầng móng, đang trong quá trình triển khai thì việc chuyển quỹ nhà thương mại này sang dự án nhà ở xã hội sẽ góp phần làm tăng cung cho quỹ nhà ở xã hội. Như vậy sẽ làm cho các đối tượng được hưởng chế độ nhà ở xã hội sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc mua nhà này.

Nguồn cung tăng lên cũng góp phần làm cho giá bán nhà ở giảm đi, có sự cạnh tranh giữa các dự án. Trước hết, những người dân đang sống trong khu đô thị sẽ có cơ hội cao hơn để tiếp cận quỹ nhà này.

Thứ hai, phía doanh nghiệp có các dự án nhà ở thương mại đang dở dang bán theo cơ chế thương mại giá không thể thấp được. Nếu triển khai xây dựng nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện tiếp cận được người có nhu cầu về nhà ở tăng tính thanh khoản cao hơn. Ngoài ra, họ cũng được hưởng ưu đãi, khuyến khích của nhà nước ví dụ như không thu tiền sử dụng đất, vay vốn với lãi suất hợp lý.

Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định về nhà ở xã hội trong đó có điểm mới, các doanh nghiệp vẫn được sử dụng 20% quỹ đất trong dự án nhà ở xã hội không phải thu tiền sử dụng đất để bán theo giá thương mại và hạch toán chung vào nhà ở xã hội để lấy phần lợi nhuận từ việc bán giá cao bù đắp cho phần nhà ở xã hội.

Như vậy, các doanh nghiệp có lợi có thị trường, được sự hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, theo đề xuất của Bộ Xây dựng, sắp tới các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội còn được giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% xuống còn 10%, đồng thời giảm 50% thuế VAT.

Lợi ích thứ 3, lợi ích xã hội, hiện nay thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn lực xã hội, của Chính phủ, DN không thể dùng để kích thích toàn bộ thị trường tất cả các phân khúc cùng ấm lên. Mà chúng ta nhằm thị trường nhà ở xã hội trước để lấy lại lòng tin của người dân, khôi phục lại tình trạng giao dịch, mua bán sở hữu nhà và có hi vọng từ phân khúc nhà ở xã hội này, sự chú ý của thị trường sẽ quay trở lại. Từ đó, lan sang các phân khúc khác và làm ấm dần thị trường bất động sản lên.

Đây là giải pháp đa mục tiêu, có lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

* Vậy theo ông, với sự hỗ trợ này, dự kiến giá nhà ở sẽ giảm khoảng bao nhiêu thưa ông?

Theo tính toán của Bộ Xây dựng với ưu đãi, miễn trừ của nhà nước như trên và đối với mức độ hoàn thiện vừa phải đáp ứng với người thu nhập thấp.

Với công nghệ xây dựng mới hiện nay, giá thành nhà ở xã hội phù hợp nhất trên dưới 10 triệu đồng/m2. Cá biệt, có những dự án ở vị trí tốt mà giá đền bù, tiền sử dụng đất cao có thể là 13-14 triệu đồng/m2.

Thưa ông, thời gian trước do chưa có chính sách cụ thể nên các doanh nghiệp rất loay hoay trong việc chia nhỏ diện tích căn hộ, xin chuyển đổi rất khó khăn. Vậy trong thời gian tới muốn để cho chương trình này đạt hiệu quả, ông nghĩ cần có những cú hích mạnh hơn?

Về chính sách, chủ trương của Chính phủ các phương án tháo gỡ sẽ được đưa vào nghị quyết cụ thể như nghị định 607, nghị định nhà ở xã hội sắp được ban hành.

Hiện nay, vấn đề rất cần thiết các tỉnh, thành phố, trên cơ sở chủ trương chính sách của nhà nước, các quy định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ có sự vào cuộc quyết liệt, giảm thủ tuch hành chính, phiền hà cho doanh nghiệp và coi đây là giải pháp cho các tỉnh thành phố tăng hoạt động của thị trường bất động sản lên, góp phần phát triển nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm.

Yếu tố thứ hai, dù xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội cũng cần dòng vốn do vậy về phía ngân hàng, Thủ tướng đã có chỉ đạo cung ứng khoảng 20-40 nghìn tỷ đồng mỗi năm với lãi suất hợp lý để cho người mua vay tiền mua nhà.

Nếu trình tự thủ tục thực hiện một cách nhanh chóng mà chủ yếu là vai trò trách nhiệm chính quyền địa phương, nguồn lực tài chính sẽ được đưa ra dòng tiền từ phía các ngân hàng thì với sự tự giác, chuyển hướng. Tôi hi vọng biện pháp chuyển hướng một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình một số đề nghị của các doanh nghiệp đang xin điều chỉnh. Bộ đã có văn bản gửi cho các địa phương, sở ban ngành Hà Nội, TPHCM và sẽ phối hợp với chính quyền thành phố này tháo gỡ nhanh chóng về vấn đề thủ tục chuyển đổi.

* Trước đây các dự án nhà ở thương mại có diện tích to vậy thì làm sao có thể điều chỉnh diện tích nhỏ hơn để phù hợp với mục đích làm nhà ở xã hội?

Chủ trương này không phải cho tất cả các dự án nhà ở xã hội, ở đây Bộ chỉ lựa chọn dự án có quy mô, vị trí thích hợp chứ không phải tất cả và đối với dự án này chúng ta cũng phải chấp nhận tạm thời việc dân số có thể tăng lên nhưng mà chấp nhận được. Nói trong quy mô toàn khu vực, thành phố thì to hay nhỏ không làm tăng dân số vì dân số thành phố vẫn ổn định như thế.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia