Top

Phác họa bức tranh thị trường bất động sản 2013

Cập nhật 10/02/2013 09:28

Năm 2012, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dòng sản phẩm bình dân, với mức giá dưới 1 tỷ đồng/căn hộ đã định hình xu hướng. Sang năm 2013, với nhiều chính sách gỡ khó được thông qua, thị trường BĐS được dự báo có sự chuyển động mạnh mẽ.

DN vẫn gặp khó khăn với lượng hàng tồn kho lớn ở phân khúc trung và cao cấp

Thị trường chuyển động

Ngay từ đầu năm 2013, khi một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của Bộ Xây dựng đi vào thực tiễn, thị trường đã bắt đầu có những chuyển động tích cực. Cụ thể, nhiều DN bất ngờ tự nguyện xin chuyển đổi dự án từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội (NOXH), điều mà trước đây dù được vận động, vẫn rất ít DN muốn làm.

Theo ý kiến một số chuyên gia, hiện tượng DN tự nguyện chuyển dự án thương mại sang NOXH chủ yếu nhằm tận dụng cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Song, việc tranh thủ cơ chế của DN cũng mang nhiều yếu tố tích cực. Bởi nếu không xin chuyển đổi, DN sẽ rất khó triển khai dự án, thậm chí dự án có thể bị thu hồi. Bên cạnh đó, việc chuyển sang làm NOXH, vừa giúp DN dần thoát khỏi tình hình khó khăn hiện tại, vừa giúp xã hội có thêm nhiều căn hộ giá rẻ phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Ngoài chuyển đổi dự án để tiếp tục “sống chết” với BĐS, thì hầu hết DN đều phải tái cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị trường. Cụ thể, hàng loạt dự án căn hộ trên địa bàn Hà Nội mới mở bán gần đây đã có sự điều chỉnh về diện tích, giá bán cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nhằm tăng thanh khoản cho sản phẩm.

Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ Đô cho rằng, hiện cầu của thị trường chính là cầu của những người có nhu cầu ở thật. Trong khi đó, thu nhập và khả năng chi trả của người dân có hạn nên việc cơ cấu lại hàng hóa, giá bán sản phẩm của DN hướng đến nhu cầu thực này là một xu hướng phổ biến không chỉ trong năm 2013, mà sẽ kéo dài 2 - 3 năm tới.

Theo ông Kiên, để tận dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, sắp tới, rất có thể sẽ còn nhiều DN xin chuyển đổi một phần dự án thương mại sang NOXH để duy trì hoạt động. Khi thị trường BĐS có tín hiệu tích cực, DN sẽ trở lại phát triển phân khúc dự án thương mại, cao cấp. Từ đó, thị trường sẽ có sự phát triển cân đối.

Doanh nghiệp vẫn khó

Mặc dù DN đã được “tiếp sức” bởi nhiều cơ chế, chính sách, nhưng đại diện nhiều DN nhận định, năm 2013, DN ngành BĐS vẫn chưa hết khó khăn và không phải DN nào cũng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc CTCP Dầu khí Toàn cầu (GP-Invest) cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường, nhưng các giải pháp chủ yếu “nghiêng” về giải quyết NOXH và nhà thu nhập thấp. Trong khi vấn đề khó khăn của thị trường lại là hàng tồn kho thuộc phân khúc trung và cao cấp. Do vậy, chính sách gỡ khó cho thị trường nhưng không phải DN nào cũng được tháo gỡ khó khăn.

Trong khi đó, chính sách cho phép DN điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhằm gỡ khó cho DN cũng còn nhiều vướng mắc về cơ chế, khiến không phải DN nào muốn chuyển đổi là có thể chuyển đổi được ngay.

Khó chồng khó, nhiều DN yếu tiềm lực tài chính sẽ tiếp tục phải bán rẻ dự án cho đối tác. Việc các DN nội có tiềm lực mua lại dự án BĐS hay việc các đối tác ngoại liên tiếp thâu tóm toàn bộ dự án hoặc chấp nhận rót vốn vào các dự án “sống dở chết dở” của các liên doanh hoặc chủ đầu tư nội thiếu vốn triển khai thời gian gần đây chính là minh chứng.

Theo một số chuyên gia, xu hướng mua bán, sáp nhận được dự báo sẽ còn diễn ra mạnh hơn từ nay đến hết quý II. Đến cuối năm 2013, khi nền kinh tế dần ổn định, các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS bắt đầu phát huy tác dụng và lan tỏa, khi ấy, thị trường sẽ bước vào một chu kỳ hồi phục mới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán