Mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam đang “đóng băng” nhưng mảng bất động sản du lịch vẫn được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư khách sạn cao cấp
Theo Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), trong thời gian qua, lượng khách quốc tế có khả năng chi trả cao đến Việt Nam tăng mạnh. Trong thời gian tới, dù lượng khách có giảm sút nhưng nhu cầu về khách sạn cao cấp (từ 3 đến 5 sao) vẫn còn rất lớn, do đó Việt Nam vẫn là “một điểm hấp dẫn” của đầu tư khách sạn. Theo JLL, khoảng ba năm tới, lượng phòng của châu Á sẽ tăng khoảng 25,8%; những điểm “hấp dẫn” đầu tư trong lĩnh vực bất động sản du lịch bao gồm Việt Nam, Macau, Hồng Kông và Singapore. Thị trường khách sạn năm sao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được xếp vào hàng tốp trong những thị trường đạt doanh thu cao từ năm 2007 đến nay ở châu Á. Trong 3 năm qua, Đà Nẵng và Hà Nội là hai thành phố được xem là “tấp nập” trong việc xây dựng những khách sạn mới.
Bên cạnh các khách sạn cao cấp tại các thành phố trung tâm, mảng bất động sản gồm chuỗi các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển phát triển mạnh, trong khoảng 5 năm trở lại đây. Năm 1997, Coco Beach Resort ra đời tại Mũi Né (Phan Thiết) được xem là một mô hình du lịch nghỉ dưỡng mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó quy mô của Coco Beach Resort khá nhỏ, chỉ khoảng 30 phòng ngủ nên không gây được nhiều sự chú ý đối với các nhà đầu tư. Cho đến khi một loạt khu resort nghỉ dưỡng cao cấp khác ra đời và kinh doanh thành công như Furama (Đà Nẵng), Life Resort (Quy Nhơn), Vinpearl (Nha Trang),... thì cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này mới thực sự gia tăng. Bên cạnh chức năng truyền thống là vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, một số nhà đầu tư đã bắt đầu đẩy mạnh mô hình kinh doanh bán biệt thự trong resort cho các nhà đầu tư bất động sản.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ năm 2007 đến nay, đầu tư trong lĩnh vực du lịch tăng mạnh. Trong tám tháng đầu năm 2008, số dự án được cấp phép là 21 dự án và số vốn đăng ký lên tới hơn 8,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án được cấp phép theo luỹ kế lên 256 dự án với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư. Giai đoạn từ năm 1998-2006, tổng số dự án được cấp phép là 215 dự án với hơn 5,28 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 188 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD. Năm 2007, số dự án được cấp phép là 47 dự án với số vốn đăng ký là hơn 1,86 tỷ USD, nâng tổng số dự án đăng ký trong giai đoạn 1988-2007 lên 235 dự án và hơn 6,17 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư.
Như vậy, lượng vốn đăng ký đầu tư trong tám tháng đầu năm 2008 đã vượt xa tổng số vốn đăng ký trong cả giai đoạn 1988-2007. Từ chỗ chỉ có 1 dự án đăng ký đầu tư trong năm 1988 với số vốn 7,7 triệu USD, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn 1988-2006, lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất trong ngành du lịch là lĩnh vực khách sạn với 127 dự án và trên 3,5 tỷ USD; còn lại là các dự án đầu tư vào các lĩnh vực giải trí, dịch vụ quản lý, dịch vụ du lịch, lữ hành, vận chuyển, golf.
Hình thức đầu tư phổ biến là liên doanh và 100% vốn nước ngoài. Số lượng dự án trải khá đều trong cả 3 miền, tuy nhiên có sự khác biệt trong lượng vốn đầu tư. Vốn đầu tư du lịch vào khu vực miền Nam chiếm nhiều nhất với 53,3%, tiếp theo là miền Bắc 32,1% và miền Trung là 14,6% trong 4.311 triệu USD tổng vốn đầu tư. Dòng vốn đầu tư vào các khu resort, các khách sạn cao cấp góp phần khắc phục tình trạng thiếu phòng nghỉ cho du khách, vốn là một trong những trở ngại làm hạn chế lượng khách du lịch vào Việt Nam hiện nay.
Thiếu nguồn nhân lực và quản lý chuyên nghiệp
Ông Đặng Văn Quang, trưởng phòng tư vấn Chiến lược của Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam nhận xét: một trong những thách thức lớn đối với phát triển bất động sản du lịch là thiếu nguồn nhân lực và quản lý chuyên nghiệp. Hầu hết các địa phương có tiềm năng phát triển các khu resort đều thuộc các tỉnh ven biển miền Trung. Đây là những nơi có nguồn nhân lực du lịch mỏng và non kém về trình độ quản lý. Nguồn nhân lực yếu cũng làm khả năng cạnh tranh và quảng bá thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, quy hoạch thu hút vốn đầu tư vào mảng bất động sản còn nhiều bất cập. Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém cũng phần nào tác động đến ngành du lịch. Việt Nam hiện chưa có một đường cao tốc đúng nghĩa, đã vậy, các thành phố biển tại miền Trung lại không có các sân bay lớn, hiện đại. Sân bay Đà Nẵng, Nha Trang hiện vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu của khách du lịch trong nước chứ chưa nói đến khách nước ngoài.
Việc khai thác các resort tự nhiên một cách ào ạt và thiếu quy hoạch tổng thể đang có nguy cơ tàn phá môi trường sinh thái tự nhiên tại Việt Nam. Điển hình là vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Cách đây 2-3 năm, Vân Phong được xem là một trong những vịnh đẹp và sạch nhất Việt Nam, nhưng chính việc xây dựng các resort nhỏ lẻ và manh mún đã vô tình phá vỡ cảnh quan và làm ô nhiễm trầm trọng môi trường tại đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng