Vì sao thị trường bất động sản lúc thì quá “nóng”, lúc lại quá “lạnh”? Làm thế nào để ổn định và phát triển thị trường quan trọng này? Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Tuổi Trẻ Cuối Tuần tổ chức ngày 26-11 với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà đầu tư bất động sản.
Nhiều tháng qua giá nhà đất đã sụt giảm kỷ lục, nhiều dự án giảm trung bình 20-40%, có dự án sụt giảm tới 60%. Điều quan trọng là thị trường bất động sản hiện nay không có giao dịch, không thể thanh khoản. Nhiều chuyên gia còn cho biết hiện nay giá nhà đất vẫn chưa phải là “đáy”, dự kiến đến quý 3-2009 mức “băng” của thị trường sẽ còn khủng khiếp hơn và sẽ có hàng loạt dự án bị phá sản.
Đóng băng và rối loạn: vì sao?
Ông Đặng Đức Thành, giám đốc Công ty cổ phần Căn Nhà Mơ Ước, cho rằng: “Tới thời điểm tháng 3-2008, người ta vẫn còn đổ xô mua bán nhà đất, nhưng kể từ đó đến nay thị trường bất động sản đã không có giao dịch, chính xác là bị đóng băng. Cùng với việc đóng băng này, giá nhà đất đã sụt giảm với một tốc độ nhanh không kém tốc độ tăng giá trong cơn sốt”. Điều đáng quan tâm, theo ông Thành, là tình trạng thị trường không thể thanh khoản. Trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân là có thật và nhu cầu này rất lớn nhưng nhà đất lại không mua bán được do cung cầu không gặp nhau. Người có thu nhập trung bình thường tìm những căn nhà có giá từ 600 triệu - 1 tỉ đồng/căn trong khi thị trường lại ê hề các căn hộ với giá 2.000-3.000 USD/m2, những siêu biệt thự hàng triệu đôla.
Lý giải nguyên nhân vì sao các nhà đầu tư đổ dồn vào làm dự án căn hộ cao cấp thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đực - phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành - cho rằng đó là do thủ tục xin phép làm được một dự án quá dài, có khi 2-5 năm mới xong một dự án. Chủ đầu tư đã bỏ nhiều tiền vào dự án cho nên tâm lý đầu tư vào những căn hộ có giá trị cao để thu lợi nhanh hơn cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm căn hộ cao cấp không nhiều, người dân mua đi bán lại do việc mua căn hộ theo phương thức góp vốn (không phải bỏ vốn toàn bộ khi mua nhà mà chỉ góp một phần) sau đó bán lại hưởng chênh lệch cao. Nhu cầu thật sự của đại đa số người dân lại bị bỏ rơi vì thiếu những sản phẩm cấp thấp. Sự phát triển theo kiểu “hình thang ngược” là mầm mống của khủng hoảng và do vậy đã bị đổ sụp khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản chựng lại là do sự “thắt” quá chặt của chính sách tiền tệ. Theo ông Đực, đáng lẽ trước sự “quá nóng” của thị trường nhà đất, Nhà nước phải “xì” bong bóng một cách từ từ chứ không nên “thắng” quá đột ngột như vừa qua.
Theo ông Dương Tuấn Tú - giám đốc Công ty TM-XD-KD nhà Anh Tuấn, thị trường bất động sản của nước ra là thị trường tự phát, luôn thăng trầm theo các chính sách của Nhà nước. Vấn đề quản lý của Nhà nước đối với thị trường này rất quan trọng nhưng vừa qua việc quản lý đối với thị trường này khiến thị trường lúc thì quá nóng, lúc lại quá lạnh.
Sở dĩ thời điểm năm 2007 có tình trạng nhà nhà đầu tư vào bất động sản bởi lúc đó tiền nhàn rỗi trong xã hội nhiều, trong khi lãi suất gửi ngân hàng thấp. Còn thời gian vừa qua, lãi suất ngân hàng tăng quá cao, lãi suất tiền gửi mà các ngân hàng huy động có lúc hơn 18%/năm, giá đất hạ nên có tình trạng người dân dồn tiền gửi ngân hàng. Lãi suất cho vay của các ngân hàng có lúc lên tới hơn 20%/năm thì hiếm có ngành kinh doanh nào đạt mức lợi nhuận như vậy. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn, phải vay nợ ngân hàng để triển khai dự án càng gặp khó khăn hơn.
Ông Tú làm phép tính: một doanh nghiệp vay 100 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả lãi 1,7 tỉ đồng, “trong khi thị trường sụt giảm mạnh thì làm sao chịu nổi”. Ông dự báo thị trường bất động sản sẽ còn đóng băng nặng hơn vào năm 2009 và đến cuối quý 2-2009 có thể sẽ có hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bị phá sản do không thể trả lãi, bị xiết nợ tài sản.
Tìm cách giải cứu
TP.HCM đang mở rộng về phía nam.
Trong ảnh: một góc khu đô thị mới
Phú Mỹ Hưng (Q.7) - Ảnh: Chí Quốc.
Thị trường bất động sản ngừng giao dịch kéo theo nhiều thị trường khác như vật liệu xây dựng, thiết kế, trang trí nội thất, việc làm lao đao theo, nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nhà nước cần có giải pháp để cứu thị trường bất động sản, cũng là cứu nhiều ngành nghề khác. (Bà Tạ Thị Ngọc Thảo - Giám đốc Công ty TTNT)
Chuyển hướng
Nhiều chuyên gia lại có cái nhìn khác khi cho rằng bất động sản đóng băng và giảm giá hiện nay mang ý nghĩa tích cực là kéo nhà đất về gần với giá trị thực, tạo cơ hội cho người có thu nhập khá, thu nhập trung bình mua được nhà.
Theo bà Đỗ Thị Loan - tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sắp tới thị trường bất động sản không sụp đổ mà có sự liên kết, sáp nhập với nhau của những nhà đầu tư. Nhiều ý kiến khác cũng nhận định trước tình hình thị trường hiện nay, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội điều chỉnh phương thức kinh doanh, loại khỏi thị trường những doanh nghiệp không có vốn, không chuyên nghiệp, làm ăn theo kiểu “chụp giựt”. Giá nhà đất, giá vật liệu xây dựng giảm cũng đang là cơ hội tốt cho các chủ đầu tư triển khai, hoàn thành tốt các dự án.
52.000 tỉ đồng đang đổ vào đầu tư bất động sản
Trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 150 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 52.000 tỉ đồng, ngân hàng đã cam kết cho vay hơn 14.500 tỉ. Hiện nay đã giải ngân được 9.500 tỉ, còn 5.000 tỉ chưa giải ngân được do tiến độ triển khai dự án chậm.
Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo cho phép các ngân hàng tiếp tục cho vay đối với các dự án nhà đất. Các ngân hàng được sử dụng tối đa 40% vốn ngân hàng để cho vay trung - dài hạn đối với các dự án này. (Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng tổng hợp Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM)
Nhiều doanh nghiệp phải “đút lót” để được nâng tỉ lệ xây dựng!
Tình trạng chủ đầu tư đưa ra giá sản phẩm nhà đất cao cũng một phần do việc hạn chế tỉ lệ xây dựng trong quy hoạch. Giá đất cao, hệ số xây dựng lại thấp thì làm sao giá thành sản phẩm không cao?
Việc quy hoạch phát triển đô thị, quy định tỉ lệ xây dựng của Sở Quy hoạch - kiến trúc hiện nay không phù hợp. Hiện nay TP.HCM đang có tình trạng san lấp để làm dự án rất tràn lan, phát triển đô thị theo kiểu dàn hàng ngang, mà dự án nào cũng có tỉ lệ xây dựng thấp, chỉ tiêu sử dụng đất chỉ 20-30%. Tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện ưu tiên phát triển đô thị theo chiều cao? Việc cho phép xây dựng cao tầng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều cho dự án.
Đang có tiêu cực trong việc phê duyệt về tỉ lệ xây dựng. Chính tôi đã chứng kiến nhiều lần các doanh nghiệp điện thoại cho đường dây nào đó, cho chuyên viên của sở ngành với thỏa thuận sẵn sàng chi hàng chục ngàn đôla để được nâng tỉ lệ xây dựng của dự án. Có tình trạng doanh nghiệp bị ép phải xì tiền ra để được duyệt dự án nhanh, với tỉ lệ xây dựng cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, thiếu tiền để trả lương cho nhân công nhưng tiền đút lót vẫn phải chi đủ. Thậm chí có doanh nghiệp đề nghị chi tới 10.000 USD chỉ với mục đích cho chuyên viên mau chóng trình văn bản để lãnh đạo sở ngành ký duyệt nhưng chuyên viên này không thèm nhìn tới vì chê ít. (Bà Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần