Top

Tháo dỡ, xây mới chung cư xuống cấp tại TPHCM: Bao giờ?

Cập nhật 01/03/2008 11:00

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, trong tổng số 152 chung cư đã khảo sát trên địa bàn TP, có 85 chung cư còn tiếp tục sử dụng được nhưng các chủ đầu tư cần thuê tư vấn kiểm định, đánh giá chất lượng để xác lập cấp bảo trì; 67 chung cư xuống cấp nặng cần phải di dời để thực hiện dự án, trong đó có 4 chung cư đã xuống cấp trầm trọng phải tháo dỡ ngay và xây mới.

“Sống trong sợ hãi”

Tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo (THĐ) phường 1 quận 5 vào những ngày cuối tháng 2-2008, sau những sự cố liên tiếp về sập trần nhà, hầu hết hộ dân sống ở đây cho biết họ đang sống trong tình trạng sợ hãi chưa từng có.

Chị Trần Thị Như Nguyệt (phòng 949) tâm sự: “Tôi ở chung cư này từ năm 1975 cho đến giờ, chuyện sập tường, nứt vách là chuyện… xưa quá rồi, nhà này rơi cánh cửa, phòng kia bị nước ào vào khi mưa xuống là thường xuyên từ hơn mười mấy năm qua, cũng quen dần.

Điều lo sợ nhất trong thời gian gần đây là tình trạng “lắc lư” mỗi khi có động đất hay dư chấn động đất. Chỉ sợ sụp chung cư!”.

Tình cảnh ở chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NKKN) quận 3 với 57 hộ dân cư ngụ cũng chẳng khác hơn. Bước vào chung cư, chúng tôi đã nghe một mùi hôi nồng nặc bốc ra từ các ống cống, hố xí bị xì.

Những mảng tường, trần nhà đã rệu rã, bong tróc hết bê tông, trơ ra cốt thép cong vẹo. Bên trong hành lang các tầng lầu, những sợi dây điện trơ khấc lõi đồng vì lớp nhựa cách điện đã bong hết, giăng đầy lối đi...

Cơ chế đã “thông” nhưng “tắc” giá đền bù

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã ra thời hạn hoàn tất việc xây dựng và cải tạo 67 chung cư hư hỏng nặng là năm 2010 và giao hẳn cho chủ tịch UBND các quận huyện kêu gọi đầu tư để cải tạo các chung cư trên địa bàn TP theo phương thức xã hội hóa.

Thông tin từ các quận huyện cũng cho thấy các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án giải tỏa các chung cư đã và đang gấp rút xây dựng, trình UBND TP phê duyệt. Tuy nhiên, dù TP đã cho cơ chế nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy mọi việc thật không đơn giản.

Chung cư 192 NKKN đã triển khai đền bù giải tỏa hơn chục năm qua nhưng vẫn còn gần 30 hộ chưa chịu ra đi. Nguyên do chính là giá bồi hoàn của chủ đầu tư (CĐT) được TP chỉ định quá thấp so với giá một số doanh nghiệp khác nhưng TP lại chưa có một động thái nào buộc CĐT hiện hữu “nhả” dự án ra.

Từ sự thống nhất với giá đền bù khoảng 40 triệu đồng/m2 của người dân vào khoảng tháng 3-2007, cho đến nay, giá đền bù đã tăng lên 85 triệu đồng/m2 nhưng người dân vẫn chưa được chi tiền để tìm nơi ở mới.

Ông Phạm Trọng Thiên (hộ số 205) cho biết, theo thỏa thuận của CĐT thì bà con đã đi mở tài khoản ngân hàng để chờ nhận tiền nhưng đến nay, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là hết thời hạn mà CĐT thỏa thuận là sẽ chuyển tiền vào nhưng người dân vẫn chưa thấy tiền đâu.

Còn ở chung cư 727 THĐ, người dân cho biết họ nghe thông tin phải dời từ cả chục năm qua, nhưng ai ở đâu vẫn ở đấy cho đến giờ. Chị Danh Thị Phương, sống ở phòng 913, cho biết: “Vào khoảng trung tuần tháng 1-2008, lãnh đạo UBND quận 5 đã có buổi họp với các hộ dân bàn về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án giải tỏa chung cư này. Tuy nhiên, hầu hết người dân không thống nhất với các phương án bồi thường vì mức bồi thường quá thấp, việc tái định cư chưa rõ ràng”.

Tiếp tục chờ... chỉ đạo!

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận 3 cho biết, UBND quận 3 đã trình với TP về việc CĐT và người dân tại chung cư 192 NKKN thống nhất giá bồi thường là 85 triệu đồng/m2 để các hộ dân tự lo nơi ở và không yêu cầu tái định cư.

Tuy nhiên, theo ý kiến của quận 3, mức hỗ trợ thêm của CĐT là quá cao so với quy định chung của các dự án đang triển khai trên địa bàn quận nên sẽ ảnh hưởng “dắt dây” đến việc đền bù giải tỏa của các dự án chung. Quận 3 đang kiến nghị UBND TP xem xét cho ý kiến chỉ đạo!

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND quận 5 Huỳnh Thị Thảo cho biết: “Phương án bồi thường cho việc giải tỏa chung cư 727 THĐ đã được trình lên UBND TP phê duyệt. Còn khi nào chính thức giải tỏa chung cư này thì… chưa thể xác định được”.

Tuy nhiên, theo phương án mà quận 5 đưa ra (mà chúng tôi có được) với giá đền bù cao nhất là 27,7 triệu đồng/m2 (tầng trệt) và thấp nhất khoảng 6,6 triệu đồng/m2 (tầng 12) (chưa tính trừ đi 40% đơn giá đất để tính hỗ trợ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước) thì hộ được nhận cao nhất khoảng trên 16,6 triệu đồng/m2 và thấp nhất chưa tới 4 triệu đồng/m2.

Trong khi chung cư này trước đây là khách sạn, bố trí sai công năng nên diện tích mỗi hộ chỉ trên dưới 20m2. Nếu gộp hết tất cả khoản hỗ trợ, số tiền nhận được thật khó đủ để người dân tìm được nơi ở mới.

Trên thực tế, một phần do các dự án đều “khó nuốt” vì diện tích nhỏ hẹp, khung giá đền bù lạc hậu, một phần do thủ tục xin thực hiện dự án nhiêu khê nên các CĐT muốn tham gia xây dựng các chung cư mới trên nền chung cư cũ nản chí.

Lãnh đạo một quận tại TPHCM thừa nhận, cơ chế thiếu thông thoáng và thủ tục lòng vòng là một trong những trở ngại lớn khi kêu gọi CĐT vì từ khi xin duyệt quy hoạch đến khi được cấp phép cho dự án xây mới các chung cư cũ, hư hỏng phải mất ít nhất 1,5 - 2 năm.

Giải pháp để tháo dỡ, giải tỏa chung cư xuống cấp nặng cứ chờ từ năm này qua năm khác. Liệu có ai nghĩ đến hậu quả nếu chẳng may các chung cư già nua với cả trăm, cả ngàn hộ dân đang sống trong đó sụm xuống?

Theo Sài Gòn Giải Phóng