Top

Tạm dừng dự án Trung tâm Tài chính EVN

Cập nhật 25/02/2008 13:00

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tiếp thu thêm ý kiến chuyên gia trước khi xây dựng Trung tâm Tài chính. Trước mắt EVN cần tập trung nhiệm vụ chính là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. 

Theo Phó thủ tướng, EVN cần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến kiến trúc quy hoạch, cảnh quan môi trường xung quanh khu vực Hồ Gươm và cũng cần căn cứ vào mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa và lộ trình phát triển điện lực để cân nhắc đầu tư dự án này.

Giữa năm 2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội phương án phá bỏ trụ sở hiện nay ở 69 Đinh Tiên Hoàng để xây Trung tâm Tài chính và Thương mại Tập đoàn Điện lực trên diện tích gần 15.000 m2. Công trình mới có độ cao phía mặt đường Đinh Tiên Hoàng (nhìn ra hồ Hoàn Kiếm) là 18,5 m (4 tầng), đường Trần Nguyên Hãn từ 6 đến 10 tầng, phía đường Lý Thái Tổ chiều cao dự kiến 54 m (14 tầng). Hệ số sử dụng đất là 4,9 lần, mật độ xây dựng 75%.

Dự án này đã tạo ra những ý kiến không thống nhất giữa các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Trong báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội gửi Bộ Xây dựng ngày 19/6/2007 chỉ rõ tại quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm, khu đất này thuộc ô L15 có chức năng cơ bản là đất ở, công trình công cộng, chiều cao trung bình 3,8 tầng, hệ số sử dụng đất 2,39 m, mật độ xây dựng 64%.

Nhưng sau đó trong thông báo của Bộ Xây dựng ngày 20/7, Thứ trưởng Trần Ngọc Chính lại kết luận, mật độ xây dựng công trình này có thể đạt 65-75% vì xung quanh công trình đã có nhiều vườn hoa, cây xanh, mặt nước. Chiều cao công trình phía giáp với phố Đinh Tiên Hoàng có thể chấp nhận được là 16-18 m, chiều cao tối đa khối công trình giáp với phố Lý Thái Tổ có thể lên tới 14 tầng (54 m), do ở đây đã có các công trình cao tầng như tòa nhà Tungshing Square và Vietcombank. Hệ số sử dụng đất có thể đạt 4-4,5 lần.



Dự án công trình của EVN.


Một đề xuất nữa của EVN cũng được Bộ chấp thuận là xây dựng 5 tầng hầm, trong khi theo kiến nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội gửi lên Bộ Xây dựng, việc làm 5 tầng hầm có thể sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông khu vực trung tâm thành phố và sẽ tăng thêm chất tải lên hệ thống hạ tầng, đô thị của khu phố cũ vốn đã quá tải.

Nhiều kiến trúc sư cũng đã lên tiếng phản đối công trình này. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho biết, Hồ Gươm là nơi linh thiêng của Hà Nội và cả nước. Đã có một quy hoạch chi tiết cho Hồ Gươm thì cần phải tôn trọng nó. Tính từ năm 1986, quanh hồ Gươm đã có khoảng 25 dự án đề xuất cải tạo hoặc xây mới công trình. Nhưng 11 dự án đã bị đình lại vì vướng các vấn đề tương tự như của EVN. Nếu tòa nhà EVN được chấp thuận thì sẽ tạo thành một tiền lệ để các công trình khác tiếp tục mọc lên rào kín Hồ Gươm.

GS Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cho rằng, nhiều công trình xung quanh Hồ Gươm hiện nay cần phải cải tạo lại, trong đó có trụ sở của EVN. Quy hoạch khu vực Hồ Gươm có thể cũng cần phải điều chỉnh, nhưng việc cải tạo và điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo gìn giữ được vẻ đẹp văn hóa, lịch sử của Hồ Gươm. Cần một khu sinh thái, văn hóa hơn là một trung tâm thương mại ở đây. Việc xây một công trình quá đồ sộ ở đây không chỉ phá hỏng cảnh quan kiến trúc mà còn gây nên áp lực rất lớn về mặt môi trường và giao thông đô thị.



Tháp rùa quá bé nhỏ khi đứng cạnh khách sạn Melia,
một công trình cách đó khá xa.


Ông Huân, một người dân ở Lương Văn Can, cho biết, kể từ khi về hưu, niềm vui duy nhất của ông là tản bộ và trò chuyện bên hồ. Ông đã đến thủ đô của nhiều nước trên thế giới, nhưng ít nơi nào có được một không gian hội tụ đủ đầy yếu tố văn hóa, lịch sử, sinh thái như Hồ Gươm. Nhiều nước đã phải bỏ ra cả tỷ USD để tạo một không gian sinh thái trong lành cho thủ đô, chẳng có lý gì ta lại phá hoại Hồ Gươm vì một lợi ích "cỏn con" trước mắt. Nếu xem đất của trụ sở EVN hiện nay là "đất vàng" thì cần xem là đất vàng về văn hóa, lịch sử chứ không phải là đất vàng về kinh tế.

Theo Đô Thị