Ngày 27.12, bên lề cuộc giao lưu trực tuyến với người dân, doanh nghiệp về đất đai, môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) Phạm Khôi Nguyên đã trả lời một số câu hỏi xung quanh việc thực hiện pháp luật về đất đai.
* Thưa ông, Quốc hội vừa rồi đã quyết định thực hiện chế độ một loại giấy chứng nhận và một hệ thống quản lý đất đai. Khi nào chỉ còn một giấy cho cả đất và tài sản trên đất?
Theo tôi, trong năm 2008 nhất định phải làm vì càng để lâu càng khó khăn và phức tạp. Trong ý tưởng chúng tôi còn đang muốn tiến xa hơn đó là giấy điện tử. Tất cả những thông tin về đất đai, các di biến động đều được quản lý trên cơ sở công nghệ thông tin.
Hiện giờ chúng tôi đang nghiên cứu, trước mắt sẽ thí điểm ở 9 tỉnh, thành phố, khoảng cuối năm 2010 hoặc khi có Luật Đất đai mới ra đời sẽ có loại giấy điện tử này. Nhưng muốn làm được việc này cũng phải nỗ lực để đến năm 2010 cơ bản lập xong hồ sơ địa chính của các thửa đất như Nghị quyết Quốc hội đặt ra.
* Chính phủ đã giao Bộ TN - MT dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003, những vấn đề gì sẽ được xem xét sửa đổi?
Sau 4 năm triển khai, Luật Đất đai 2003 đã thực sự đi vào cuộc sống, đất thực sự tham gia hiệu quả vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Tuy nhiên để phù hợp với tình hình mới sẽ có một số vấn đề phải xem xét sửa đổi.
Thứ nhất là liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để dành được diện tích đất đủ đảm bảo an toàn lương thực, thực phẩm. Thứ hai, rà soát lại các loại rừng để dành thêm đất cho sản xuất. Dự kiến, nếu làm tốt sẽ không những bảo vệ được rừng mà còn dôi ra khoảng 1 - 2 triệu ha cho sản xuất. Thứ ba, phân cấp rõ ràng hơn trong công tác lập và duyệt quy hoạch.
Thứ tư, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách đầy đủ để đến năm 2011 hoặc 2012 sẽ ban hành một bộ luật đất đai tương đối đầy đủ và toàn diện.
* Chuyện chia lại ruộng đất có được đặt ra như nhiều thông tin gần đây không, thưa ông?
Tôi khẳng định không có chuyện chia lại ruộng đất, luật không quy định nội dung này. Trong 5 quyền cơ bản của người dân về đất đai, có quyền tặng, cho, chuyển nhượng, đấy chính là những kênh điều chỉnh lại diện tích sử dụng đất.
> Còn nhiều bức xúc về đất đai .
Theo Thanh Niên