Top

Nhà đất: Càng giảm giá càng vắng khách

Cập nhật 26/02/2008 08:00

Sau TP.HCM, giá nhà đất tại các địa phương khác cũng bắt đầu tuột dốc. Người bán nôn nao đẩy hàng, còn người mua thì đủng đỉnh. Ngay các chủ dự án cũng "lên ruột" khi có nguy cơ người mua quay lưng với dự án mới hoặc "lật kèo" với những dự án đã ra hàng.

Theo các chuyên gia, tình hình u ám này sẽ còn kéo dài khi có quá nhiều người muốn bán, còn người mua đang nghe ngóng.

Giá đã giảm vẫn chưa thấy người mua

8g30 ngày 25-2, hầu hết chợ địa ốc tại quận 2, 7... vắng khách, có chợ còn chưa buồn mở cửa "vì không có khách hàng". Tại chợ địa ốc VinaLand trên đường Khánh Hội, quận 4 (TP.HCM) trước đây hoạt động khá xôm tụ nhưng nay chỉ còn một nhân viên trực điện thoại, không thấy nhân viên kinh doanh. "Từ bốn ngày nay không có người mua trong khi mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận không dưới 20 khách hàng chào bán nền đất, căn hộ" - nhân viên một chợ địa ốc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 cho biết.

Trong khi đó giá đất tại một số dự án tiếp tục giảm. Một trong những dự án "nóng" nhất trước đây là dự án Him Lam - kênh Tẻ, quận 7 hiện giảm còn 51-52 triệu đồng/m2 (đường nội bộ, so với trước đó là 53-54 triệu đồng/m2) nhưng gần đây vắng khách hẳn, kể cả khách hỏi thăm. Tương tự ở quận 2, dự án khu dân cư 154ha (Bình Trưng Đông) khách hàng muốn bán nhanh đã giảm 2 triệu đồng/m2, còn 16-17 triệu đồng/m2 mà không có người mua. Xa hơn như các dự án Nam Long, Kiến Á (quận 9), người bán cũng giảm 1-2 triệu đồng/m2. Tình hình chung của người mua là chẳng vội vã mà tiếp tục... chờ.

Gánh nặng cho người ôm nhà, đất

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc ước tính hiện có khoảng 70% người mua nhà đất có "dính" tới ngân hàng. Những khách hàng này đang đứng trước nhiều áp lực: sắp đến thời hạn thanh toán tiền mua nền đất, căn hộ đợt tiếp theo nhưng không vay được tiền. Trong trường hợp được vay tiền ngân hàng lại phải chịu áp lực khác do lãi suất cho vay tăng lên. Với khách hàng vay 1 tỉ đồng, trước đây mỗi tháng bình quân chỉ trả lãi 10 triệu đồng/tháng (lãi suất 1%/tháng) thì nay phải trả thêm 2,5 triệu đồng nữa (lãi suất 1,25%/tháng).

Nhà đất giảm giá, còn lãi suất vay tăng cao buộc các nhà đầu tư phải tính toán lại việc vay tiền ngân hàng để đầu tư vào nhà đất. Do vậy không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà một số nhà đầu tư lớn cũng bắt đầu bung hàng ra thị trường.

Chủ dự án cũng lên ruột

Chủ đầu tư các dự án đang triển khai cũng tỏ ra lo lắng. Giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc tại quận Bình Thạnh cho biết dự án căn hộ cao cấp của công ty công bố từ cuối năm 2007, khách hàng đã góp 20% vốn và sắp đến đợt góp vốn mới. Nhưng các khách hàng cho biết họ không thể vay được tiền. Điều này làm dự án chậm tiến độ trong khi giá vật liệu xây dựng liên tục tăng. Theo giám đốc công ty này, không chỉ khách hàng vay tiền ngân hàng mà những người bỏ tiền túi ra mua thời điểm này cũng cân nhắc rất kỹ, cẩn trọng hơn.

Theo một chuyên gia địa ốc, trong trường hợp khách hàng không muốn tiếp tục góp vốn vào dự án sẽ phát sinh chuyện "lật kèo". Khi đó khách hàng được hoàn trả số tiền góp vốn, cộng với lãi suất. Tình huống này khác với trước đây khi giá đất tăng nhanh, một số chủ đầu tư tìm cách "lật kèo" khách hàng để lấy căn hộ, nền đất lại, bán cho khách hàng khác với giá cao hơn.

Theo dự kiến trong tháng ba, tháng 4-2008 sẽ có nhiều đợt chào hàng của các dự án mới do đã chuẩn bị xây nền móng từ cuối năm 2007. Nhưng các công ty kinh doanh địa ốc cho rằng nếu thị trường địa ốc tiếp tục diễn biến như hiện nay thì chủ đầu tư sẽ không dám công bố dự án ra thị trường. Còn đối với các dự án đã công bố trước đó, chưa thu tiền, nhiều khả năng chủ đầu tư cũng xem xét lại giá bán đã công bố trước đây. Bởi hiện nay giữa chủ đầu tư và khách hàng chưa có gì ràng buộc nhau, chỉ mới đăng ký tên để chọn suất mua.

Nỗi ám ảnh của nhà đầu tư: sau siết tín dụng là thuế lũy tiến

Thông tin cho biết sau một thời gian dạt về các tỉnh, hiện nay nhiều nhà đầu tư địa ốc đã rút trở về TP.HCM "cố thủ", nghe ngóng tình hình. Theo một số ý kiến, trường hợp có thêm chính sách đánh thuế lũy tiến vào nhà đất được ban hành thì nhiều khả năng có thêm một đợt "tháo chạy" mới của các nhà đầu tư địa ốc.

Giá đất ở các tỉnh cũng tuột dốc

Giảm mạnh nhất là các dự án ở Bình Dương, Long An...do trước đó đã tăng quá "nóng". Dự án Mỹ Phước 3 ở Bình Dương (đường nội bộ) giá công bố trước tết là 1,1-1,2 tỉ đồng/nền 100m2, nay chỉ còn 900 triệu - 1 tỉ đồng. Dự án khu dân cư 135 Bến Lức (Long An) giảm 300.000-400.000 đồng/m2, dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng giảm tương tự, còn 3,4 triệu đồng/m2...

Tại TP Cần Thơ, ông Phan Quốc Bảo - phó trưởng phòng kinh doanh (Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586, chi nhánh Cần Thơ) - cho biết công ty đã phải điều chỉnh nhịp độ xây dựng nhà do đầu ra giảm 70-80% so với trước.