Top

“Khóc” vì công trình kỹ thuật ngầm!

Cập nhật 18/08/2007 16:00

Hàng loạt lô cốt rào đường lắp đặt cống thoát nước gây cản trở sinh hoạt người dân chưa biết ngày hoàn thành vì vướng công trình kỹ thuật ngầm (CTKTN). Tại TP.HCM, cứ 10 công trình xây dựng hạ tầng thì cả 10 đều vướng CTKTN.

Dự án đại lộ đông tây đoạn ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài khoảng 10km hiện đang thi công ì ạch, cầm chừng vì vướng các ống cấp thoát nước và đường điện trung thế, hạ thế. Trong đó, đoạn từ cầu Chà Và đến cầu Khánh Hội dài 6km gần như bị ngưng trệ vì vướng các CTKTN khiến nhà thầu dở khóc dở mếu.

Nước chờ điện, điện chờ nước

Theo ban quản lý dự án đại lộ đông tây, để xây dựng hệ thống cấp thoát nước mới phải di dời các ống cấp thoát nước hiện hữu. Muốn di dời ống cấp thoát nước hiện hữu phải chờ di dời các cột điện hiện hữu vì các cột điện này nằm tại vị trí xây dựng hệ thống cấp thoát nước mới.

Nhưng muốn di dời cột điện hiện hữu phải chờ hoàn thành hào kỹ thuật, trong khi hào kỹ thuật lại vướng các ống cấp thoát nước hiện hữu. Như vậy, chỉ trên một đoạn dài vài kilômet mà công trình kỹ thuật chằng chịt, cái này vướng cái kia tạo thành một vòng lẩn quẩn khó gỡ.

Trong khi đó, dự án cải thiện môi trường nước rào chắn trên hàng loạt tuyến đường thuộc 11 quận huyện để thi công hệ thống thoát nước cũng đang “lao đao” vì vướng CTKTN.

“Các trục đường chính ở trung tâm TP như Trần Hưng Đạo, An Dương Vương, Tôn Đức Thắng, Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm… đều vướng cấp thoát nước, điện lực, điện thoại khiến việc thi công khó khăn và chậm trễ” - ông Đặng Ngọc Hồi, trưởng phân ban quản lý dự án môi trường nước 1 (ban quản lý dự án đại lộ đông tây và môi trường nước TP), cho biết.

Theo ông Hồi, rối nhất là tại các đường Mễ Cốc, Thanh Đa, CTKTN chằng chịt nhưng đường quá hẹp không đủ mặt bằng để bố trí di dời tạm.

Đơn vị chủ quản “lơ mơ”

Chính đơn vị chủ quản cũng không biết chính xác vị trí các CTKTN do mình quản lý. Hầu hết sơ đồ CTKTN hiện hữu do đơn vị chủ quản cung cấp cho nhà thầu đều mang tính tương đối, không phản ánh đầy đủ tất cả công trình kỹ thuật dưới lòng đất cũng như hướng tuyến của các CTKTN này. Do vậy, nhà thầu phải thi công hết sức dè chừng làm trì kéo tiến độ dự án.

Một cán bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) lý giải nhiều ống cấp nước đã hình thành qua hàng chục năm nên không kiểm soát xuể. Tuy nhiên, rất nhiều CTKTN chỉ mới lắp đặt vài ba năm nay nhưng các đơn vị chủ quản cũng rất “lơ mơ” trong việc quản lý.

Chẳng hạn cả một dự án về điện rất lớn là dự án tuyến cáp điện ngầm cao thế 220KV tại khu vực cầu Ông Lãnh (Q.1) mới lắp đặt năm 2002 - 2003 cũng hoàn toàn không được đơn vị chủ quản tính toán và bố trí các kết cấu bảo vệ cáp điện trong quá trình thi công đại lộ đông tây. Hậu quả là tại khu vực này toàn bộ công tác thi công của nhà thầu Obayashi phải dừng lại hơn một năm rưỡi nay để chờ các cơ quan chức năng tìm hướng tháo gỡ.

Nhà thầu, người dân đều thiệt

Việc vướng CTKTN khiến nhà thầu mất nhiều thời gian, công sức lẫn chi phí để giải quyết, khắc phục. Đường Trần Bình Trọng (Q.5) thi công lắp đặt cống thoát nước 2,5 x 2m (thuộc dự án cải thiện môi trường nước) nhưng một bên vướng cống vòm hiện hữu, một bên vướng cáp điện lực.

Do vậy nhà thầu rất khó khăn trong việc bố trí mương thoát nước tạm cho nhà dân hai bên. Vào thời điểm mưa, nhà thầu phải cho nước mưa chảy tràn vào công trường đang thi công để đảm bảo thoát nước cho dân. Sau đó phải mất nhiều thời gian mới phục hồi được phần công trường đã bị nước mưa phá hỏng.

Người dân tại các khu vực thi công cũng khốn khổ vì phải chịu cảnh mưa lầy, nắng bụi kéo dài. Công trình đường Nguyễn Thái Sơn ngưng trệ khiến các hộ dân ở đây chỉ biết than trời vì hàng loạt ống thoát nước phi 1.800 chưa lắp đặt nằm choán trước nhà nhiều tháng trời cản trở sinh hoạt, buôn bán.

Nhiều lô cốt rào chắn đường thuộc dự án cải thiện môi trường nước gây khó khăn cho người dân vẫn chưa biết chính xác ngày hoàn thành do vướng CTKTN. Theo ông Đặng Ngọc Hồi, một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, An Dương Vương, Phó Đức Chính… phải xin gia hạn rào chắn vì phải vừa thi công vừa gia cố bảo vệ các CTKTN.

Ông Vương Hoàng Thanh - trưởng phân ban quản lý dự án đại lộ đông tây - cho rằng thời gian qua hầu hết đơn vị chủ quản đều quản lý CTKTN dựa theo vị trí vỉa hè hoặc nhà dân nên rất dễ bị sai lệch nếu các vị trí này thay đổi. “Nên chăng quản lý CTKTN theo tọa độ GPS sẽ chính xác hơn - ông Thanh gợi ý - Bên cạnh đó, phải tiến đến qui hoạch CTKTN bằng cách đưa vào các hào kỹ thuật”.

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước Tô Hiến Thành - cống Bà Xếp (Q.3, Q.10) hơn một năm nay vẫn chưa thi công xong đoạn đường dài 150m vì vướng công trình cấp thoát nước, điện lực, điện thoại.


Theo Phương Thanh - Tuổi Trẻ