Thu hồi những diện tích đất và nhà "siêu mỏng, siêu méo" làm xấu bộ mặt đô thị là việc mà các cấp, các ngành đang trăn trở. Tuy nhiên, thu hồi mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Sau đó, sử dụng những diện tích đất này thế nào (?) là nửa còn lại không kém phần "gay cấn".
Câu chuyện có thật ở phường Nam Đồng là ví dụ điển hình cho việc khó xử của chính quyền địa phương với những diện tích đất "siêu mỏng". Một hộ dân xin biếu phường phần đất còn lại sau cắt xén, GPMB đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa để làm… bảng tin.
Phường không dám nhận vì nhiều lý do, nhưng một trong các lý do là ngại nếu nhận sẽ trở thành "bia đỡ đạn" cho mâu thuẫn giữa hai hộ dân, hộ ở phía trước (có miếng đất chỉ đủ để làm bảng tin) và hộ ở sát phía sau.
Ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, thu hồi các diện tích nhỏ, lẻ quả không dễ, song sử dụng cũng thật khó. Như tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa có đến mấy chục trường hợp không lẽ làm bảng tin cả (!). Mới đây, tại cuộc họp của TP về vấn đề này, nhiều phương án đã được bàn tính.
Phó chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu đưa vào quy chế khung đang được Sở QH - KT chắp bút giải pháp: TP bỏ kinh phí để thu hồi toàn bộ những diện tích đất mỏng, méo mà các hộ dân không tiến hành hợp khối giao cho địa phương quản lý, lên phương án sử dụng đối với từng trường hợp cụ thể.
Phương án thu hồi sau đó bán lại cho hộ dân phía sau có nhu cầu đã được tính đến. Việc này phù hợp với chủ trương khuyến khích hợp khối. Chính quyền đứng ra thu hồi rồi bán lại sẽ tránh được tình trạng chủ đất bên ngoài "hét" thật cao, chủ đất ở bên trong trả rõ thấp.
Tuy nhiên, giá bán tính trên cơ sở nào thì chưa cơ quan nào đưa ra được phương án khả thi. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, phải đặt ra trường hợp chủ đất bên trong không mua, dù là mua lại từ chính quyền. Vì nếu diện tích đất "siêu mỏng" trở thành bãi cỏ, hay để trồng cây xanh thì rõ ràng nhà phía sau không mất tiền mua mà vẫn được hưởng lợi.
Giải pháp đưa các miếng đất "siêu mỏng" vào phục vụ mục đích công cộng được nhiều ý kiến ủng hộ nhất. Những diện tích đất nho nhỏ này có thể dùng vào nhiều việc như: nhà chờ xe buýt, trạm điện thoại công cộng, điểm rút tiền tự động, ki ốt bán báo, văn hóa phẩm; làm bảng tin để phường thông báo các quy định, văn bản pháp luật mới, các công việc liên quan đến người dân, thậm chí là công khai quy hoạch…
Với trường hợp chủ đất phía sau tính chuyện "ngư ông đắc lợi", trong khi miếng đất chính quyền thu hồi ở mặt tiền "siêu mỏng" theo đúng nghĩa đen, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng đưa ra phương án… cứ xây tường lên.
Thoạt nghe có vẻ buồn cười, song chuyện thu hồi đất "siêu mỏng" và sử dụng sau đó thế nào là vấn đề khá "nhạy cảm", rất dễ phát sinh khiếu kiện, bức xúc đối với người trong cuộc nếu không được thực hiện một cách công bằng, hợp lý.
Thiển nghĩ, nếu đành phải xây tường hay cách khác là dựng pa nô tấm lớn cho doanh nghiệp thuê để quảng cáo thì ngân sách địa phương cũng thêm được một khoản thu. Nói chung, dù sử dụng đất "siêu mỏng" vào việc gì, thì chính quyền địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý đến mục tiêu quản lý, tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị.
>> Nhà siêu mỏng: “Xới” lên mới thấy khó
>> Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng
>> Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo như thế nào?
>> Khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội
>> Bế tắc với nhà siêu mỏng, siêu méo
>> Nghị trường 'sôi sục' vì nhà siêu mỏng
>> Nhà siêu mỏng trên tuyến đường tiền tỷ sẽ bị phá dỡ
Theo Minh Thu - Kinh Tế và Đô Thị