Tại Hà Nội tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt khoảng 0,48% đất đô thị. Vậy nhưng ngay cả diện tích ít ỏi này hiện đang đứng trước nguy cơ bị “làm thịt” bởi các mục đích thương mại.
Nhiều dự án bãi đỗ xe hoặc là bị biến tướng, hoặc là bị đình trệ. Dường như các nhà hoạch định giao thông của Hà Nội đã coi giao thông tĩnh chỉ là những đứa con rơi!
Từ lá thư khẩn thiết gửi Bí thư Thành ủy
Tháng 7/2001, lần đầu tiên Hà Nội có được bãi đỗ xe theo đúng nghĩa với mức đầu tư 19 tỷ đồng: Bãi đỗ xe Đền Lừ 1 (quận Hoàng Mai). Diện tích bãi đỗ xe này là16.000m2 trên tổng diện tích đất 21.000m2. Bãi đỗ xe này đã cấp sổ đỏ sử dụng lâu dài vào mục đích làm bãi đỗ xe tĩnh do Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (KTĐĐ) quản lý.
Sau 7 năm hoạt động, bãi đỗ xe này đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo trật tự giao thông cho khu vực phía nam thành phố. Trung bình đạt 300.000 lượt ô tô/năm, doanh thu đạt 8,5 tỷ đồng.
Mới đây ngày 27/7/2007, UBND TP Hà Nội ra thông báo sáp nhập bãi xe Đền Lừ 1 vào chợ đầu mối Đền Lừ. Chủ thể quản lý chuyển từ Cty KTĐĐ sang Tổng Cty Thương mại Hà Nội.
Việc chuyển đổi này xuất phát từ nhu cầu giảm tải chợ Long Biên. Vậy là, chỉ với một thông báo của UBND TP.Hà Nội thành quả bao năm gây dựng được một bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch cũng của chính UBND TP.Hà Nội phê duyệt đứng bên bờ bị “xóa sổ”.
Ngày 8/8/2007, Cty KTĐĐ đã có văn bản gửi đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội. Văn bản nêu rõ: Phương án do Tổng Cty Thương mại Hà Nội nêu ra là không khả thi. Lý do là chợ đầu mối đặt tại Đền Lừ là không phù hợp bởi đường Nguyễn Tam Trinh (con đường độc đạo vào chợ) chỉ có mặt cắt 8m - đi hai chiều.
Thêm đó, lối rẽ từ đường vào chợ qua một cây cầu duy nhất cắt vuông góc với đường nên tại đây thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Nếu chuyển chợ Long Biên về Đền Lừ chỉ là chuyển sự phức tạp, ùn tắc từ Long Biên xuống Đền Lừ mà thôi.
Hơn thế, chợ Đền Lừ hiện là trung tâm quận Hoàng Mai với quy mô dân số sẽ tăng thêm so với hiện nay 200.000 dân. Như vậy, xây dựng một chợ đầu mối giữa trung tâm một quận nội thành là không phù hợp.
Đặc biệt, văn bản này cũng nêu rõ: Bãi đỗ xe Đền Lừ được nằm trong quy hoạch các bến điểm đỗ xe của Hà Nội và là công trình không được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Vì lý do đó, Cty KTĐĐ đưa ra kiến nghị khẩn thiết tới Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất nên xây dựng chợ đầu mối ở vị trí ngoài đường vành đai của Hà Nội tránh tình trạng bị động gây ùn tắc. Tại khu vực chợ Đền Lừ chỉ nên xây dựng trung tâm thương mại...
“Xẻ thịt” bãi đỗ xe Mỹ Đình I
Trong lúc Cty KTĐĐ Hà Nội đang bị “sốc” vì thông báo của UBND TP.Hà Nội thì mới đây lại một chỉ đạo nữa của UBND TP.Hà Nội gây lo ngại dư luận. Bãi đỗ xe Mỹ Đình – bãi xe quy mô nhất của Hà Nội hiện nay đứng trước nguy cơ bị “xẻ thịt”.
Ngày 14/8/2007, tại Sở GTCC Hà Nội các đơn vị gồm Sở GTCC Hà Nội, Sở Tài chính, Sở KH & ĐT sở QH - KT, Cty INPYUNG (Hàn Quốc) bàn cách “ xẻo thịt” bãi đỗ xe Mỹ Đình I với cái tên rất hấp dẫn: “Dự án nâng cấp bãi đỗ xe Mỹ Đình I”. Và có điều lạ là, tại cuộc họp này người ta không thấy có mặt Cty KTĐĐ, Tổng Cty Vận tải Hà Nội- đơn vị được giao quản lý bãi đỗ xe trên.
Ngày 15/8/2007, Sở GTCC Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội, trong đó có phần giới thiệu về dự án. Theo giới thiệu này, khu đất 7,9ha (bãi đỗ xe Mỹ Đình hiện tại) sẽ nằm trong phạm vi dự án của Cty INPYUNG trong đó: Khu vực 1 (5,5 ha) gồm: Bãi đỗ xe ô tô, xe máy, bến xe buýt, trạm xăng. Tổng mức đầu tư cho khu vực 1 là 2,278 triệu USD (35 tỷ đồng). Khu vực này sau khi đầu tư, sẽ bàn giao cho thành phố quản lý sử dụng.
Khu vực 2 (2,4ha) bao gồm: Siêu thị, cửa hàng, văn phòng, khách sạn. Mức đầu tư 45 triệu USD. Khu vực này sẽ được Cty INPYUNG kinh doanh, quản lý, khai thác. Hiệu quả mà dự án này mang lại là số tiền 12,959 triệu USD là tiền thuê 2,4 ha đất trong 50 năm.
Dự án còn tạo thêm 92,477m2 văn phòng, khách sạn cao cấp, tạo việc làm cho hàng ngàn người. Bản thông báo còn được “đánh bóng” rằng việc thu hút INPYUNG vào dự án này là phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hoá của UBND TP Hà Nội, làm tăng hiệu quả khai thác bãi đỗ xe, giảm ngân sách đầu tư cho thành phố, tạo hiệu quả kinh tế (?).
Vậy thực tế dự án này là gì? Đơn thuần đây là dự án “xẻ thịt” bãi đỗ xe làm văn phòng, khách sạn không hơn, không kém. Bởi lẽ, thứ nhất, dự án bãi đỗ xe Mỹ Đình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 4 năm nay với chức năng trông giữ xe máy, ô tô, xe buýt... phải chăng đến bây giờ INPYUNG mới đầu tư các hạng mục này?
Thứ hai, với phương án đỗ xe không đổi (cùng đỗ nổi trên mặt đất) việc giảm bớt 2,4 ha diện tích bãi đỗ hiện có thì làm sao có việc tăng hiệu quả đỗ xe như báo cáo của Sở GTCC Hà Nội?
Thêm nữa, việc tạo việc làm cho hàng ngàn lao động của INPYUNG ngay tại bãi đỗ xã Mỹ Đình I đã “biến” diện tích bãi đỗ xe 5,5ha còn lại thành bãi đỗ xe cho chính Cty INPYUNG. Thực chất, đây là dự án xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê. Việc có phần đầu tư bãi đỗ xe chẳng qua là cái tên, là “động tác” để dự án thêm xúc động lòng người.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Hà Nội lại bỏ bãi đỗ xe để đầu tư khách sạn?
Điều này có đi ngược lại với Nghị quyết 32 của Chính phủ, đi ngược với các giải pháp giảm ùn tắc mà Hà Nội đã dày công xây dựng?
Theo Tiền Phong