Top

Các dự án cứ dở dang

Cập nhật 16/08/2007 09:00

Hôm qua, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh đã giải thích về những dự án treo, những công trình dang dở.

Có 67 câu hỏi chính mà HĐND đã ghi nhận từ ý kiến của cử tri toàn tỉnh. Đó là bức xúc về những công trình triển khai dang dở cho đến những con đường trong TP Huế ngập nước chỉ sau một trận mưa như Bến Nghé, Nguyễn Tri Phương, Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Hùng Vương... hoặc những con đường chưa có vỉa hè, hư hỏng như Nguyễn Gia Thiều, Ngự Bình, Kiểm Huệ, Tăng Bạt Hổ...

Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hòa trả lời cử tri: “Những con đường hẹp, chưa có vỉa hè, để khắc phục cần kinh phí quá lớn nên chưa thể tiến hành đồng thời ngay được, sẽ thực hiện trên cơ sở cân đối vốn hằng năm của ngân sách tỉnh”.

Đang điều chỉnh

UBND tỉnh cũng cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, tỉnh đã thực hiện 18 dự án giải tỏa chỉnh trang đô thị thuộc tỉnh, bảy dự án thuộc thành phố. Tuy nhiên mới chỉ có hai dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang triển khai thi công; mười dự án mới hoàn thành các thủ tục kiểm kê giá nhưng chưa có kinh phí bồi thường như: dự án giải tỏa khu bảo tàng tổng hợp tỉnh, dự án giải tỏa, mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh - Quảng Điền đoạn qua phường Hương Sơ, dự án giải tỏa khu gia đình quân nhân tại phường Phú Hiệp...

Còn theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh có đến 24 khu qui hoạch có đất được xếp vào diện “qui hoạch treo”. Nhiều khu qui hoạch theo giải trình UBND tỉnh tại kỳ họp thì hoặc “đang được điều chỉnh”, hoặc “đang gặp vướng mắc”. Đó là là các khu qui hoạch chi tiết xây dựng công viên Ngự Bình, Đại học Huế, khu dân cư nam Vỹ Dạ cùng nhiều dự án xây dựng khu tái định cư khác...

Riêng với công trình xây dựng công viên Ngự Bình, UBND tỉnh cho biết đến nay “đã xây dựng cơ bản một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, các khu chức năng và lắp đặt được một số thiết bị trò chơi nhưng chậm và không có khả năng tiếp tục”. Để giải quyết khu công viên này UBND tỉnh đã cho Đại học Huế điều chỉnh qui hoạch chi tiết xây dựng Đại học Huế (gần công viên Ngự Bình - PV) theo hướng mở rộng, bao gồm cả khuôn viên đất công viên! Đây chính là vấn đề nhiều cử tri và đại biểu tại kỳ họp thắc mắc rồi đây những hạng mục đã thực hiện đầu tư tiền tỉ đã gỉ sét, hư hại sẽ giải quyết như thế nào!

HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết như đặt tên đường tại hai thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà) và Phú Bài (huyện Hương Thủy); nghị quyết về thành lập, quản lý và sử dụng quĩ an ninh quốc phòng; chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị...

Ngân sách cấp thêm

Một trong những nguyên nhân khiến các khu đô thị mới đổi đất lấy hạ tầng tại Thừa Thiên - Huế hoàn thành chậm tiến độ chính là việc không bố trí được khu tái định cư cho dân. Theo chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Mễ, lẽ ra các chủ đầu tư phải dành 20% quĩ đất cho việc này, chỉ “xài” 80% mà thôi. Thực tế có nhiều chủ đầu tư lấy tiền bán từ đất ấy để làm hạ tầng, nhưng có nơi cũng làm không đủ, thậm chí ngân sách phải cấp thêm!

“Các dự án đổi đất lấy hạ tầng tính từ năm 2006 đến nay đều có tình trạng tất cả chủ đầu tư đã dùng vốn thu được từ đất (tức 20% diện tích) để đầu tư hạ tầng, nhưng thực chất người ta chỉ báo cáo cho mình thiết kế cơ sở thôi, chứ mình không duyệt đến thiết kế chi tiết và điều đấy là đầy nguy cơ!” - ông Mễ nói.

“Cần phải qui định lại chế tài xử lý đối với các dự án đầu tư nhưng không thực hiện đúng tiến độ” - là một trong những vấn đề mà các đại biểu thông qua của nghị quyết một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong các tháng cuối năm. Còn ông Nguyễn Văn Mễ đề nghị: “UBND tỉnh cần phải tổng rà soát lại các qui hoạch và kiên quyết xử lý các khu qui hoạch kéo dài, không nên chậm trễ!”.

Lại chuyện “trách nhiệm người đứng đầu”

“Vấn đề tham nhũng, lãng phí đi đâu cử tri cũng nêu ra. Rất tâm huyết, rất gay gắt, bức xúc... Sắp đến tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo chống tham nhũng. Đặc biệt là nói đi đôi với làm, nói đúng mức, làm kiên quyết, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện, xã” - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện nói.

UBND tỉnh nhìn nhận công tác cải cách hành chính phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí “vẫn chưa được thủ trưởng các ngành, địa phương quan tâm như là một nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Tại các kỳ họp trước, vấn đề “trách nhiệm của người đứng đầu” cũng đã được nêu lên.


Theo Đình Toàn - Tuổi Trẻ