Tại cuộc họp mới đây, đại diện nhiều quận, huyện trên địa bàn đều cho rằng, khó có thể hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong năm nay, nếu như những vướng mắc về mặt chính sách không được khẩn trương cởi gỡ.
Đo đất bằng cách thủ công
Không chỉ có những khó khăn trên mà một số đại biểu cũng nêu vấn đề tranh chấp về địa giới hành chính tại địa bàn giáp ranh ở vài quận, huyện, đã gây khó khăn thêm cho công tác cấp GCN. Là địa bàn có nhiều dự án phát triển nhà ở đang triển khai, ông Chử Đức Ngọc, Trưởng Phòng TN&MT quận Hoàng Mai cho biết, chưa tính tới các khu đô thị mới, quận Hoàng Mai còn khoảng 10.000 hồ sơ phải cấp GCN trong năm nay. "Không thể cấp hết được. Quận chỉ tập trung giải quyết xong cho các trường hợp đã kê khai xong và đủ điều kiện cấp. Những hộ chưa kê khai, chưa có hồ sơ sẽ phải xử lý sau. Đất, căn hộ chung cư ở khu đô thị mới cũng thế, phải theo tiến độ chung dự án chứ quận không phải muốn là cấp ngay được" - ông Ngọc nói.
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, cấp GCN cho các hộ gia đình thuộc các khu tập thể tự quản hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là những thửa đất nằm trong các quy hoạch "treo". Thực tế, người dân sử dụng đất, nhà từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước, trong khi tới năm 2000 quy hoạch quận Hai Bà Trưng mới được duyệt. Do đó, để giảm bớt bức xúc cho người dân, quận đề xuất, vẫn cấp GCN cho các hộ này và ghi rõ vào trong GCN phần đất nằm trong quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Trọng Lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, các trường hợp bất khả kháng khó có thể cấp xong trong năm 2010. Bên cạnh đó, năm 2011 cũng vẫn phải cấp tiếp cho các trường hợp phát sinh mới như nhà vườn, biệt thự, căn hộ chung cư... tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới chứ chưa thể dừng được...
Điểm đáng chú ý là tại các địa bàn mới hợp nhất vào Hà Nội, do chưa có bản đồ số nên tiến độ cấp GCN bị ảnh hưởng rất lớn. Đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Huyện Chương Mỹ đã cấp được gần 90% số GCN cần cấp. Số còn lại đều là những trường hợp khó nên huyện khó cấp xong toàn bộ trong năm nay... "Vì chưa có bản đồ số, nên trước đây, để xem xét cấp GCN, số liệu đều do người dân tự kê khai và sử dụng bản đồ giấy, đo vẽ bằng... thước dây! Vì độ chính xác thấp nên khi có tranh chấp về đất sẽ rất khó xử lý... Nếu bây giờ vẫn làm như vậy, e không đảm bảo tính pháp lý.
Nhiều vướng mắc cần cởi gỡ
Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về việc "hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở trong năm 2010", tới nay, thành phố đã cấp được 890.000 GCN, đạt gần 90% tổng số giấy cần cấp. Trong đó, cấp theo Nghị định 61/CP và Nghị định 60/CP là 99.000 giấy. Tuy nhiên, 10% còn lại không hề đơn giản, bởi đây đều là những trường hợp phát sinh hoặc xếp vào loại bất khả kháng.
Hà Nội hiện còn khoảng 30.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN, gây khó khăn cho công tác quản lý trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Mười, Trưởng phòng Đăng ký Thống kê (Sở TN&MT) cho biết: "Đó là các trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng hoặc lấn chiếm đất công, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm pháp luật đất đai đã bị TAND, VKSND, cơ quan thanh tra và chính quyền các cấp kết luận xử lý... Việc thụ lý, xét cấp GCN cho các trường hợp này hết sức khó khăn".
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, việc đo vẽ bản đồ địa chính còn chậm. Hệ thống bản đồ phục vụ cấp GCN còn thiếu, độ chính xác thấp, ảnh hưởng lớn tới tiến độ cấp GCN, đặc biệt đối với các huyện thuộc Hà Tây (cũ) và Mê Linh. Thêm vào đó, việc thu phí trước bạ 0,5% đối với các trường hợp đất có nguồn gốc cha, ông để lại cũng khiến nhiều người "bỏ quên", không tới lấy GCN dù chính quyền đã ký duyệt. Cũng theo ông Nghĩa, các quy định về nơi nộp hồ sơ cấp GCN cũng đang "kênh" nhau.
Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, hồ sơ nộp tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trong khi theo Bộ Nội vụ, người dân cần nộp hồ sơ tại bộ phận "một cửa" tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính. Kết quả, nhiều quận, huyện đang rất băn khoăn, không biết nên làm theo hướng dẫn nào để khỏi bị mang tiếng là làm sai quy định.
Đó là khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, còn về mặt chính sách cũng đang gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, việc cấp GCN cho những trường hợp xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch và dự án đầu tư được duyệt sau ngày 1/7/2006, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên các quận, huyện chưa biết phải cấp như thế nào. Hoặc NĐ 88/2009 quy định, hồ sơ cấp GCN phải có sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng. Nhưng hiện cũng chưa có quy định cụ thể về việc này là do ai thực hiện... Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng không sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan đến cấp GCN thì công tác này khó hoàn thành đúng thời hạn.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị