Top

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Hy vọng liệu có thành… thất vọng?

Cập nhật 15/06/2014 08:12

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã tạo được nhiều chuyển biến khá tích cực cho thị trường bất động sản. Dù vậy, do tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ khá ì ạch nên không ít DN, người tiêu dùng tỏ ra thất vọng.

Dù được kích cầu nhưng thị trường BĐS chưa chuyển động

Cả DN và người dân đều nản

Chủ đầu tư một dự án nhà ở thương mại được duyệt cho chuyển sang làm nhà ở xã hội mới đây đã làm đơn xin rút, trả lại dự án để quay về làm nhà thương mại. Lý giải cho việc làm này, chủ đầu tư cho hay, dù đã được lãnh đạo địa phương ký duyệt cho chuyển đổi rất lâu rồi, nhưng nhiều tháng nay, dự án vẫn "dậm chân tại chỗ” vì vướng ở khâu thủ tục, nên không vay được tiền.

Có lẽ, trường hợp của vị chủ đầu tư này chỉ là một trong số nhiều tình huống các chủ đầu tư bị tắc vì khâu thủ tục khi có chủ định tiếp cận gói 30.000 tỷ. Và không chỉ các chủ đầu tư, người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp – đối tượng được ưu tiên vay vốn ở gói hỗ trợ này cũng đang tỏ ra rất nản vì không thể lo xong khoản thủ tục để vay vốn.

Gói 30.000 tỷ đồng từ khi được khởi xướng đã đã nhen nhóm  cho không ít người dân niềm tin về cơ hội được sở hữu nhà ở. Bản thân các DN bất động sản đang khó khăn về vốn, đang bị ách tắc vì lượng nhà ở tồn kho cũng từng kỳ vọng sẽ giải thoát được phần nào lượng hàng tồn khi được phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Giới chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ hy vọng: Từ đây giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ trở nên ấm hơn.

Tuy nhiên, đã đi qua 1/3 quãng đường (khởi điểm từ tháng 6 năm 2013 và đặt ra mục tiêu giải ngân hoàn toàn trong vòng 36 tháng) song, tính đến thời điểm này, tổng số tiền giải ngân từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ mới  đạt con số 2.156,3 tỉ đồng. Như vậy, sau tròn 1 năm, từ 1-6-2013, gói tín dụng này mới giải ngân được hơn 7%.

Sự ì ạch của gói 30.000 tỷ, theo lý giải của giới chuyên gia ngành bất động sản, là do thị trường thiếu sản phẩm phù hợp với gói tín dụng này, đồng thời thủ tục cho vay quá rườm rà.

Tiếp tục "thông”

Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo Bộ Xây dựng: Thực tế tuy  còn khó khăn nhưng thị trường bất động sản đã dần ấm lên. Nguồn cung đối với loại nhà xã hội, căn hộ trung bình và giá thấp thì đang tăng lên, có giao dịch tốt. Và có được những chuyển biến này một phần chính là nhờ sự đóng góp của gói 30.000 tỷ. Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay ước tính có khoảng 4000 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2013. Tại TP. Hồ Chí Minh tình hình giao dịch cũng khả quan hơn, các giao dịch thành công chủ yếu loại căn hộ dưới 15 triệu/m2.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thừa nhận sự chậm trễ của gói hỗ trợ này, một phần do thiếu nguồn cung. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đây là gói tín dụng cho vay trung và dài hạn, muốn giải ngân nhanh gói này thì phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì mới cho vay được, nhưng hiện nay nguồn cung còn ít nên chưa thể giải ngân nhanh được.

Trong khi đó một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo quy định của NQ 02. Chính vì vậy các dự án cũng chậm được triển khai, nguồn cung còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Bởi vậy, để đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp để "thông” gói hỗ trợ này. Đặc biệt, Bộ đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo để chỉ đạo các địa phương, Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP. Ngoài việc kéo dài thời hạn vay, Bộ Xây dựng cũng đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. 

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết