Top

Vẫn ì ạch 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 20/04/2015 13:05

Cho đến nay, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân được trên 20% là quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng, trong khi chỉ còn hơn 1 năm sẽ hết thời hạn giải ngân theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ.

Những rào cản

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp ở đô thị tiếp cận nhà ở là chủ trương lớn, chưa có tiền lệ. Do vậy, hệ thống chính sách và cơ chế tổ chức thực hiện đã phải mất một thời gian khá dài để được bổ sung cho hoàn thiện. Trên thực tế, phải đến ngày 1-6-2013 mới cơ bản có đủ điều kiện để giải ngân được, trong lúc thời hạn hiệu lực của gói tín dụng này chỉ có 3 năm (đến ngày 1-6-2016).

Gần 2 năm qua, cơ chế, thủ tục để giải quyết cho người có thu nhập thấp đô thị tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng vẫn còn nhiêu khê, đặc biệt là thủ tục chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay. Nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2/căn, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc căn hộ có tổng giá bán dưới 1,05 tỷ đồng còn rất khan hiếm, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị. Việc phối hợp triển khai của các bộ, ngành cũng chưa được đồng bộ.

Theo quy định tại Mục 1 của Công văn 395/BXD-QLN ngày 3-3-2015 của Bộ Xây dựng, người có thu nhập thấp mới thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Người có thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (trên 9 triệu đồng/tháng) không phải là đối tượng có thu nhập thấp, nên không thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, kể cả trường hợp chưa có nhà ở, hoặc đang ở chật (bình quân dưới 8m2/người).

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cho rằng người có tổng thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay khi tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, do vậy không đủ điều kiện được vay để mua nhà.

Một rào cản nữa đối với người có thu nhập thấp là quy định: “Trường hợp tạm trú phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm”. Quy định này cũng là một trở ngại dẫn đến tình trạng nhiều công nhân, lao động nhập cư không đủ điều kiện để vay từ nguồn vốn ưu đãi để mua nhà.

Kiến nghị tháo gỡ

Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng không quy định người có thu nhập thấp phải có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Người có thu nhập thấp chỉ cần hội đủ những điều kiện như quy định tại Mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng với các yêu cầu sau: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội; chưa có nhà ở nhưng có đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai và diện tích đất ở đó nhỏ hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh; đối với trường hợp tạm trú đề nghị phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên (có thể không liên tục và có thể đã đóng bảo hiểm xã hội qua nhiều đơn vị công tác ở nhiều địa phương khác nhau).

Khách hàng tham quan dự án được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không yêu cầu người vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phải chứng minh thu nhập khác, bởi lẽ đã có tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà, chính là căn hộ hình thành trong tương lai mà người có thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua. Các ngân hàng thương mại chỉ nên yêu cầu người vay có văn bản cam kết trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay, hoặc ghi rõ cam kết này trong hợp đồng vay. Đối với nhà ở xã hội, đề nghị thời hạn vay tối thiểu 20 năm. Đối với vay mua nhà ở thương mại từ gói tín dụng ưu đãi đã được xác định thời hạn vay 15 năm như hiện nay là rất phù hợp với người có thu nhập thấp.

Hiệp hội kiến nghị xem xét cho doanh nghiệp đang đầu tư các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc có tổng giá bán căn hộ dưới 1,05 tỷ đồng cũng được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện nhà, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

Đối với chủ đầu tư là các doanh nghiệp vướng nợ xấu, nhưng có những dự án nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội đáp ứng các điều kiện của gói tín dụng ưu đãi, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại vẫn cho vay ưu đãi nhưng có những biện pháp quản lý dòng tiền vay, để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích nhằm hoàn thành căn hộ bàn giao cho khách hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư