Top

Trung Quốc không tham gia thì nhà thầu ngoại khác sẽ tham gia

Cập nhật 15/06/2014 07:44

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết, các nhà thầu trong nước có đủ khả năng về tài chính, cũng như công nghệ để thay thế các nhà thầu Trung Quốc tại các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.


* Thưa ông, thông tin Trung Quốc cấm nhà thầu nước này tham gia đấu thầu tại các dự án sắp được triển khai tại Việt Nam có tác động thế nào tới các dự án ngành giao thông?

Thông tin này tôi mới đọc được trên báo chí, chưa có nguồn thông tin chính thức nào xác nhận. Tuy nhiên, nói một cách tổng thể, Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và cả nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Hiện Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, an ninh chính trị tốt, ổn định, thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế có hội nhập, nhưng phải đảm bảo độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào, nên việc Trung Quốc cấm doanh nghiệp của họ tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, nếu có, thì trước hết là họ bị thiệt, vì họ vào đầu tư trên cơ sở hội nhập làm ăn, hai bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Làm như thế là họ tự làm khó mình.

Còn với Việt Nam, việc này không bị ảnh hưởng, vì nếu Trung Quốc không tham gia, thì các nhà thầu nước ngoài khác sẽ tham gia. Nhà thầu Việt Nam hiện cũng đủ mạnh, đủ lớn để thực hiện các dự án giao thông.

* Có một thực tế là, số lượng dự án giao thông, nhất là các dự án trọng điểm tại Việt Nam hiện nay do các doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu khá nhiều do có giá bỏ thầu thấp, thưa ông?

Phải khẳng định lại rằng, sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc tại các dự án giao thông là không lớn. Hiện có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam, trong đó lớn nhất là tại Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc.

Còn việc nhà thầu Trung Quốc rút hay không, không ảnh hưởng đến Việt Nam, vì trước hết, nếu họ rút, thì phần thi công dang dở sẽ không được chủ đầu tư thanh toán. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí, họ còn làm nhanh hơn nhà thầu Trung Quốc.

* Ngoài nhà thầu Trung Quốc, các nhà thầu trong và ngoài nước đang có mặt tại Việt Nam có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án giao thông hiện nay?

Trước hết, họ chỉ cho vay ODA Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nên chỉ có nguồn vốn của dự án này có khả năng bị ảnh hưởng. Tất nhiên, họ không cho vay tiếp, thì chúng ta sẽ vay chỗ khác để bù đắp, đảm bảo tiếp tục Dự án. Còn với các dự án khác, khi họ chỉ là nhà thầu thuần túy, kể cả Chính phủ Trung Quốc không cấm, mà họ làm không tốt, chúng ta cũng thay thế như các nhà thầu vi phạm tiến độ khác.

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng quy định hợp đồng về tiến độ, chất lượng. Trường hợp nào dừng, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương và sẽ mời các nhà thầu khác.

* Nếu Chính phủ Trung Quốc không tiếp tục cho vay ODA, thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, vì đây là nguồn vốn lãi suất thấp, thưa ông?

Nguồn vốn của Trung Quốc chưa chắc đã rẻ. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực giao thông được huy động từ rất nhiều nguồn, trong đó vốn của Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Đầu tư ODA lớn nhất cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực cho giao thông, thì Nhật Bản là số 1, tiếp đến là các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư