Top

Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ: Chậm do thiếu nguồn cung nhà ở?

Cập nhật 20/08/2013 09:19

Thiếu nguồn cung nhà ở trung bình, nhà ở xã hội do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương hiện nay không nhiều khiến cho việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng bị chậm.

Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) vừa tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả triển khai Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ sau hơn 2 tháng thực hiện và đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh chương trình này.

Gần 400 người mua nhà đã được vay vốn

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN khẳng định, các ngân hàng đang nỗ lực triển khai thực hiện gói hỗ trợ tín dụng này.

“Ngân hàng hiện không có vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách và quy trình triển khai thực hiện. Hiện các ngân hàng cho vay cũng đã bố trí sẵn sàng nguồn vốn 30.000 tỷ với lãi suất thấp (tối đa 6%/năm), thời hạn dài (thời gian cho vay tối thiểu 10 năm với cá nhân, trong đó thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm và thời gian cho vay tối đa 5 năm với doanh nghiệp) đến đúng đối tượng được vay theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, các NHTM trong quá trình triển khai phải thực hiện đúng các điều kiện và quy định của chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở”, ông Mạnh nói.

Đại diện NHNN cho biết, trong tháng đầu tiên triển khai chương trình, các NHTM đã giải ngân 3,46 tỷ đồng cho 19 khách hàng cá nhân và 34,3 tỷ đồng cho 1 khách hàng doanh nghiệp.

Bước sang tháng thứ 2, các ngân hàng đã cam kết cho vay 159 khách hàng cá nhân với số tiền là 46,56 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân cho 148 khách hàng với dư nợ 34,13 tỷ đồng.

Đến ngày 13/8, các ngân hàng đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp, hiện Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng với số tiền là 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng với số tiền là 34,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cũng đang làm thủ tục đăng ký để được xác nhận ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng tại Cần Thơ với số tiền 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện nay một số ngân hàng khác đang hoàn thiện việc thẩm định một số dự án và sẽ báo cáo xin xác nhận nguồn vốn của NHNN trong tháng 8/2013.

Nguồn cung nhà giá rẻ, nhà ở xã hội còn ít

Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho việc giải ngân từ gói hỗ trợ chậm là do hiện nay thị trường BĐS còn thiếu nguồn cung nhà ở trung bình, nhà ở xã hội do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Hơn nữa, việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường.

Vì vậy, để thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hỗ trợ cho vay nhà ở, các Bộ, Ngành, chính quyền đại phương cần phối hợp xử lý kịp thời một số vướng mắc, khó khăn mới phát sinh.

Cụ thể là phải chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay bởi hiện tiến độ cho vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã cho phép 05 NHTM được nhận thế chấp bằng chính căn nhà mua của khách hàng. Tuy nhiên, một số văn phòng công chứng không đồng ý công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay.

Hơn nữa, một số dự án nhà ở thu nhập thấp thực hiện theo Quyết định 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 không cho phép thế chấp và ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà “không được phép thế chấp”, đơn củ như dự án Đặng Xá 1 khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc sử dụng tài sản thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Theo quy định hiện hành thì việc xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng là nhà ở xã hội chỉ được bán cho chủ đầu tư, hoặc người đủ điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội. Như vậy, việc xử lý tài sản đảm bảo là chính căn nhà xã hội bắt buộc thông qua chủ đầu tư dự án, nhưng một số chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với ngân hàng trong việc ký hợp đồng ba bên ngân hàng – chủ đầu tư – khách hàng.

Về việc xác nhận của UBND xã (phường), hiện nay Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện triển khai việc hướng dẫn UBND xã, phường triển khai việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, do một số địa phương chậm chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục xét duyệt của các cấp ngành để tiến hành khởi công xây dựng dự án nhà ở còn chậm, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và tiến độ thực hiện dự án.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Info TV