Cuối tuần qua, tại buổi đối thoại trực tiếp “Triển lãm BĐS 2014 giao dịch nhà – đất trên dưới 1 tỷ đồng”, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, sắp tới đây sẽ có hàng loạt giải pháp để thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
Cụ thể, sẽ có 5 thay đổi quan trọng. Thứ nhất, Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian vay vốn gói hỗ trợ lên 15 năm thay vì 10 năm với khách hàng cá nhân như quy định trước đây.
Thứ hai, Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép người mua nhà có thể dùng chính căn hộ hình thành trong tương lai để thế chấp khi vay vốn. Nội dung này được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT của NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Bộ TNMT.
Thứ ba, các quy định về diện tích và giá bán, cụ thể là diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, được gỡ bỏ trong điều kiện khi đề nghị vay vốn. Thay vào đó, người mua nhà chỉ cần có hợp đồng mua nhà có giá trị dưới 1.05 tỷ đồng thì sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng.
Thứ tư, NHNN sẽ chỉ định thêm các NHTMCP khác tham gia vào cho vay gói 30.000 tỷ đồng này để tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
Và cuối cùng là nới rộng các đối tượng được vay vốn rẻ từ gói 30.000 tỷ đồng. Theo đó, các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, những người có khó khăn về nhà ở… nếu đã có đất ở phù hợp quy hoạch, được cấp phép xây dựng thì cũng được vay vốn từ nguồn này với thời hạn tối đa 15 năm để tự xây dựng nhà ở cho mình.
Ảnh minh họa
|
Ngoài 5 thay đổi quan trọng như trên, ông Hà cho biết, Bộ Tài chính cũng đang có nghiên cứu để trình Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế, kể cả chậm nộp tiền sử dụng đất cho DN. Song song đó, các quy định về cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng sẽ được các bộ, ngành nghiên cứu, mở rộng. Dự kiến, bên cạnh nhà chung cư, người nước ngoài cũng được mua nhà biệt thự, nhà liền kề trong khu vực phát triển dự án nếu không ở gần vị trí chiến lược, ảnh hưởng an ninh quốc phòng.
Có thể nói rằng, những thay đổi trên chắc chắn sẽ tháo gỡ được nhiều nút thắt trong việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bởi thực tế từ trước đến nay, do vướng các quy định về diện tích và giá bán tối đa, nhiều dự án nhà ở thương mại không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn rẻ buộc phải xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội với hy vọng tăng thanh khoản, giải quyết tồn kho. Nhưng việc giải quyết chuyển đổi này không phải dễ dàng.
Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện nay, địa phương vẫn chưa công bố được khu vực cho phép các dự án nhà ở chuyển đổi công năng. Do đó, 16 dự án nhà ở thương mại hiện hữu tại các quận, huyện vùng ven như quận 6, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh mặc dù đã xin ý kiến chuyển đổi sang nhà ở xã hội hoặc cơ cấu căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ từ 2 năm nay nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
Việc cho phép người mua nhà được dùng chính căn hộ hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn cũng như cho phép những đối tượng đã có đất ở phù hợp với quy hoạch tham gia vay vốn là một thay đổi quan trọng và đi sát thực tế. Những quy định này sẽ giúp cho người lao động có thu nhập trung bình có thể “chạm tay” vào nguồn vốn rẻ. Bởi, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, khi chỉ cần thế chấp bằng hợp đồng mua nhà 1 tỷ đồng và trả trước 20%, số còn lại được vay với lãi suất thấp (5%/năm) trong vòng 10-15 năm, thì tính ra người vay vốn gói tín dụng này chỉ phải trả lãi 2,3-3,3 triệu đồng/tháng. Vì thế, cơ hội thanh toán nợ gốc trong vòng 15 năm có thể thực hiện được.
Ngoài ra, theo các thống kê, hiện nay có khoảng 140.000 người Hàn Quốc và hàng chục ngàn người Nhật Bản, Philippines sống và làm việc tại Việt Nam. Vì thế nhu cầu mua nhà để ở hoặc nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh là rất lớn. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà cao cấp tại Việt Nam có thể xem như hoạt động xuất khẩu tại chỗ, góp phần giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở này. Bởi trong 6 tháng cuối năm 2014, nguồn cung căn hộ ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm khoảng 6.400 căn hộ nữa.
Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà của các NHTM ngày càng có tính cạnh tranh, cùng với biện pháp thanh toán linh hoạt của chủ đầu tư trong một số dự án hạng B và C đã khuyến khích được niềm tin của người mua, khiến lượng giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường đều đang có chiều hướng tăng mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng