Top

Giữ lấy phố cổ Hội An

Cập nhật 13/07/2010 11:40

Mới đây, ngôi nhà cổ số 72 Trần Phú, Hội An (Quảng Nam) đã sập đổ hoàn toàn phần mái, đúng như lời cảnh báo về nguy cơ phố cổ Hội An có thể trở thành… phế tích. Điều đáng nói, nhiều nhà cổ Hội An vẫn đang nằm trong nguy cơ sập, không chỉ vì sự khắc nghiệt của thời gian mà còn bởi sự đối xử “tệ bạc” của con người đối với một di sản vô giá của nhân loại.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà cổ Hội An đổ ập xuống trước sự ngỡ ngàng của chính quyền, người dân và đặc biệt là du khách nước ngoài. Trước đây, báo chí cũng như những người quan tâm đến phố cổ Hội An đã rất nhiều lần cảnh báo sự xuống cấp của nhà cổ, cũng như những bất cập trong quản lý, sử dụng trùng tu nhà cổ.


Một đoạn phố cổ Hội An, di sản quý của nhân loại. Ảnh: T.L.

Phố cổ Hội An có 3 dãy phố nằm ở 3 trục đường chính là Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú. Trên 3 trục đường này, có rất nhiều ngôi nhà cổ xuống cấp và mỗi năm phải trầm mình trong nước lũ ít nhất 3 cơn lụt. Phố cổ Hội An được xây dựng theo kết cấu nhà liền kề - “mái liền mái, xông liền xông” (“xông” là “bờ tường” theo cách gọi của người Quảng Nam - PV) nằm ngay sát sông Hoài - hạ lưu sông Thu Bồn. Chính nhờ được xây dựng theo kết cấu liền kề nên phố cổ Hội An có thể tồn tại hàng trăm năm qua trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Tuy nhiên, do “tuổi thọ” quá cao cộng với trong quá trình sử dụng, người dân đã phá vỡ kết cấu “mái liền mái, xông liền xông” nên phố cổ Hội An ngày trở nên rệu rã và khẳng khiu trước mưa bão. Một người dân ở đây cho biết, nhà cổ xuống cấp đến bệ rạc, chính quyền có cả đề án trùng tu nhà cổ với tiền tỷ trên tay, nhưng thực tế là những ngôi nhà cổ không thể trùng tu kịp thời và việc nhà cổ đổ sập xuống như là một lẽ tất yếu.

Theo thống kê của chính quyền Hội An, hiện nay phố cổ Hội An còn gần 30 ngôi nhà cổ xuống cấp một cách trầm trọng, phần lớn thuộc diện “trùng tu khẩn cấp”. Mặc dù chính quyền Hội An xây dựng đề án trùng tu nhà cổ với mức hỗ trợ kinh phí trùng tu cho nhà sở hữu tư nhân từ 40% đến 75%, thế nhưng nhiều năm qua, gần 30 căn nhà ấy vẫn chưa thể trùng tu do chính quyền và người dân chưa tạo được sự đồng thuận.

Chính quyền thì sốt ruột, Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An thì thấp thỏm, còn người dân thì vẫn ung dung mặc kệ và tìm mọi cách bắt nhà cổ… đẻ ra tiền. Thậm chí, có những ngôi nhà cổ với mái ngói, rui mè, cột kèo gãy đổ tất cả, nhưng người dân vẫn “tận thu” bằng cách dùng bạt nylon, cót ép,… đóng thành la-phông để che mắt du khách. Hàng ngày, có đến hàng trăm lượt khách, nhất là khách nước ngoài, đến tham quan, ăn uống trong những căn nhà như thế nhưng hoàn toàn không biết… tai họa lơ lửng trên đầu.

Lý do người dân “bất tuân chính quyền” trong việc trùng tu là do chuyện quá cũ: kinh phí. Theo chính sách hỗ trợ trùng tu nhà cổ của chính quyền Hội An, nhà cổ mặt phố, có kinh doanh buôn bán thì được hỗ trợ mức từ 40%; những hộ gia đình trong kiệt (hẻm), không kinh doanh buôn bán thì hỗ trợ 75% trở xuống. Tuy nhiên, người dân lại cho rằng, để trùng tu nhà cổ phải tốn tiền tỷ do phải mua gỗ tốt, thi công khó, do vậy dù chính quyền có hỗ trợ như thế thì số tiền còn lại mà người dân phải bỏ ra vẫn quá lớn so với thu nhập của họ. Chưa kể, trong quá trình sửa chữa ngôi nhà sẽ phải ngưng kinh doanh, mất một nguồn thu cho gia đình. Chính vì thế, nhiều năm qua hàng chục ngôi nhà cổ vẫn dầm mưa, dãi nắng để làm ra tiền như một ông già tuổi thất thập đang bị vắt kiệt sức.

Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi Hội An có những ngôi nhà cổ độc đáo. Vì vậy, nhà cổ Hội An không chỉ là tài sản của người dân Hội An, của chính quyền Hội An, của quốc gia Việt Nam mà là tài sản vô giá của nhân loại. Nếu như chính quyền và nhân dân Hội An không tìm được sự đồng thuận để nhanh chóng trùng tu bảo vệ nhà cổ, nếu chỉ vì sự “ích kỷ” về tài chính của chủ nhân các căn nhà thì một ngày không xa, khi phố cổ Hội An bị thời gian nghiền nát, lúc ấy dù có cầm đến nhiều tỷ đồng trên tay vẫn không thể nào “mua” được một phố cổ Hội An như bây giờ.

Vì vậy, để giữ lại một Hội An của nhân loại, chính quyền Hội An bên cạnh những biện pháp hỗ trợ hợp lý thì cần có những biện pháp mạnh mới có thể cứu được phố cổ Hội An.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng