Top

Dự án nhà giá rẻ "treo" 3 năm vì thủ tục

Cập nhật 23/09/2009 13:35

Ông Đực kể câu chuyện dự án nhà ở 3,5 ha của mình bị thủ tục "hành" gần 3 năm tại hội nghị ngày 22/9. Ảnh: Vũ Lê.

Gõ cửa 8 cơ quan chức năng từ phường, quận đến sở ngành và UBND TP HCM, chi phí đầu tư đội lên và trượt giá cả trăm tỷ đồng, song dự án nhà giá rẻ tại quận 12 vẫn chưa biết bao giờ khởi công được.

Ngày 22/9, hội thảo "Nhà ở thu nhập thấp ở đô thị - Chính sách pháp luật và thị trường bất động sản Việt Nam" được khuấy động bởi câu chuyện thủ tục hành chính là thủ phạm làm tăng giá bất động sản một cách bất hợp lý.

Giám đốc Công ty Đất Lành Nguyễn Văn Đực mang đến hội nghị câu chuyện dự án căn hộ giá rẻ của chính ông tại quận 12, từng bị thủ tục "hành" đến nỗi kéo dài 35 tháng 16 ngày vẫn ì ạch chưa thể khởi công. Nhiều người giật mình khi nghe dự án 3,5 ha của ông Đực được xúc tiến từ ngày 6/10/2006, "chạy" từ Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, phường Đông Hưng Thuận, đến UBND quận 12, rồi vòng sang Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng và UBND TP HCM... mà đến ngày 22/9 chưa xong thủ tục.
 

Thủ tục làm cho giá thành căn hộ bị phình to, một minh họa cho dẫn chứng của ông Đực tại hội thảo "Nhà ở thu nhập thấp ở đô thị - Chính sách pháp luật và thị trường bất động sản Việt Nam". Ảnh: Vũ Lê.


3 năm đình trệ, chi phí đất, vật liệu xây dựng và nhân công tăng trung bình 40% khiến doanh nghiệp phải bù thêm 47 tỷ đồng. Còn khách hàng mua dự án này phải chịu sự tăng giá 9-10 triệu đồng lên thành 13-14 triệu đồng mỗi m2. Cuối cùng tổng số tiền các khách hàng phải trả thêm là 148 tỷ đồng kèm theo việc chậm bàn giao nhà trong vòng 21 tháng.

Ông Đực đề xuất Bộ Xây dựng phải tháo dỡ những "lô cốt" thủ tục hành chính đang là thủ phạm làm tăng giá căn hộ một cách bất hợp lý. Ông cũng nhấn mạnh thủ tục hành chính cứ ì ạch như hiện nay không chỉ làm giảm chỉ số hài lòng, dồn gánh nặng giá cả lên người dân, khiến thị trường Việt Nam kém hấp dẫn nhà đầu tư mà còn làm tụt chỉ số GDP, tiền thuế thu về cho ngân sách cũng ít đi.

Chính phủ có chủ trương dành nguồn vốn lớn cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội vay với nhiều ưu đãi. Song theo phản ánh của các doanh nghiệp, họ không mấy quan tâm tới ưu đãi này. Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng Đỗ Doãn Chiến giải thích tiếng là lãi suất thấp, song khoản vay này có kèm theo các quy định ràng buộc đầu ra, giá bán phải được chính quyền địa phương duyệt, người mua nhà phải sàng lọc... Nói cho cùng thì đặc ân ban đầu đã không còn hấp dẫn khi đến giai đoạn cuối hoàn thành dự án doanh nghiệp phải bị ràng buộc đủ thứ trách nhiệm.

"Tại sao nhà nước không bao tiêu sản phẩm, thu gom toàn bộ lượng nhà ở xã hội mà doanh nghiệp xây xong rồi phân phối theo cơ chế của chính quyền địa phương để đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và đúng giá?", ông Chiến đặt vấn đề.

Giám đốc chương trình Un-Habitat tại Việt Nam Nguyễn Quang đề xuất: "Hãy tận dụng triết lý 'win - win', mọi người cùng thắng. Nhà ở xã hội là trách nhiệm chung của cộng đồng, đòi hỏi sự dung hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Riêng thủ tục hành chính phải cải cách sâu rộng hơn nữa".

Phó chủ tịch thường trực Hội Bất động sản Việt Nam Tống Văn Nga nhận xét, vấn đề nhà ở xã hội chỉ thực sự mới được quan tâm một cách đầy đủ và đúng mức từ một năm nay. Một phần vì thói quen để nước đến chân mới nhảy đã khiến các cơ quan chức năng lơ là. Song phần nhiều xuất phát từ bức xúc của người dân về nhà ở ngày càng lớn nên chính phủ đã thấy được tầm quan trọng và đang sẵn sàng nhập cuộc.

Phó cục trưởng cục quản lý nhà Bộ Xây dựng Vũ Thị Hòa cho hay sẽ thu thập tất cả ý kiến của doanh nghiệp về những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội để đề xuất hướng tháo gỡ. Bà cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ sẽ trình những vướng mắc về nhà ở xã hội, thuế bất động sản lên bàn Quốc hội để các bộ ngành liên quan cùng xem xét.

"Doanh nghiệp đừng vì những trở ngại trong các thủ tục hành chính mà thất vọng, nhà ở xã hội là việc nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành, cùng học hỏi và không ngừng rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp hợp lý nhất", bà Hòa nói.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress