Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Cao Thăng. |
Để tình hình giao thông thành phố không xấu đi đồng thời có được bước cải thiện nhất định, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã xác định xong danh mục các công trình giao thông trọng điểm cần ưu tiên vốn đầu tư từ nay đến hết năm 2010.
Đường xuyên tâm: hành lang Bắc-Nam và Đông-Tây
Đây là hai hành lang giao thông chính của thành phố. Hành lang Bắc-Nam chạy dài từ khu vực quận 12 qua trung tâm thành phố và kéo dài đến huyện Nhà Bè. Hành lang Đông-Tây là đại lộ Đông-Tây bắt đầu từ huyện Bình Chánh, qua các quận: 8, 6, 5, 3, 1, vượt sông Sài Gòn, qua quận 2 và nối vào xa lộ Hà Nội. Cả hai hành lang này đã được thành phố triển khai xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng phần việc còn lại không ít.
Đường trục Bắc-Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2 với 3 dự án cầu: Rạch Đỉa, Bà Chiêm, Phước Kiển và một trục đường dài 2,2km nối từ cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước. Tổng vốn cho các công trình này ước khoảng 600-700 tỷ đồng.
Trục Đông-Tây vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục đường ven kênh Tàu Hủ-Bến Nghé cùng hàng loạt cầu như Khánh Hội, Chà Và, Chữ Y… nhưng hạng mục quan trọng nhất là hầm Thủ Thiêm phải đến cuối năm nay, nhà thầu mới bắt đầu lắp đặt hầm và dự kiến đến cuối năm 2010, toàn tuyến Đông-Tây mới hoàn thành. Đây là công trình sử dụng vốn ODA của Nhật với phần vốn đối ứng là của thành phố.
Đường hướng tâm đối ngoại: cửa ngõ phía Đông và phía Tây
Cả hai cửa ngõ nêu trên đều có mật độ giao thông lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Theo Sở GTVT, nếu không được đầu tư cải tạo ngay thì tình trạng ùn tắc giao thông ở hai cửa ngõ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế thành phố bởi đây là hướng đi về miền Tây và miền Đông Nam bộ, hai khu vực có hoạt động giao thông hàng hóa rất lớn với thành phố.
Tại cửa ngõ phía Đông, Sở GTVT cho rằng phải đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B, Bình Triệu 2 vì đây là trục giao thông chính đi vào khu cảng Cát Lái hiện đang quá tải. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đang ứng vốn đầu tư cho 2 công trình này, ước lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng (tính cả tiền đền bù giải phóng mặt bằng).
Tại cửa ngõ phía Tây, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đại lộ Đông-Tây (kết nối với quốc lộ 1A đi về miền Tây Nam bộ), Sở GTVT đang đề nghị cấp thêm vốn cho dự án mở rộng tỉnh lộ 10 nối với tỉnh Long An. Dự án này đã khởi công được 4 trong tổng số 10 gói thầu và thi công ước 37% khối lượng công việc.
Trục chính đô thị: Công trình cho các quận, huyện ven
Công trình nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Phú Nhuận) được xác định là công trình quan trọng nhất, cần khẩn trương hoàn thành vào cuối năm 2009 để không còn ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất. Công trình này đã hoàn thành giai đoạn 1 và chủ đầu tư đang triển khai giai đoạn 2 làm lại mặt đường. Kinh phí cho giai đoạn này khoảng 20-30 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm (quận Bình Thạnh - quận 2) đã hoàn thành phần cầu, tuy nhiên, hạng mục đường, hầm chui kết nối với quận Bình Thạnh lại chưa xong nên chưa thể phát huy hết hiệu quả của cây cầu này. Sở GTVT đã đề nghị phải bố trí vốn để công trình có thể hoàn thành trong năm 2010.
Cầu Phú Long nối quận 12 (TPHCM) với tỉnh Bình Dương thi công được khoảng 30% khối lượng công trình và cũng đang rất cần vốn để hoàn thành trong năm 2010. Tương tự, dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) đã thi công, đạt 50% khối lượng và hiện rất cần thêm vốn để hoàn thành trong năm 2009 nhằm phục vụ hoạt động chuyên chở hàng hóa ở cụm cảng biển Hiệp Phước.
Dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng cũng rất cần tiền để có thể kịp khởi công công trình ngay trong năm nay. Sở GTVT cho rằng, nếu không có ngay mặt bằng thi công giao cho chủ đầu tư thì công trình khó hoàn thành vào năm 2012 như kế hoạch.
Và các chuẩn bị khác
Theo quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020, TPHCM sẽ có 4 đường trên cao. Đường Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đường Tô Hiến Thành-Lữ Gia-Lạc Long Quân-Vành đai 2…, trị giá mỗi đường khoảng vài ngàn tỷ đồng. Hiện nay đã có 3 nhà đầu tư xin đầu tư 3 trong số 4 tuyến đường này nhưng vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, lập dự án.
Sở GTVT cho rằng, phải triển khai sớm các dự án này bởi trước áp lực gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, hầu hết các tuyến đường trên mặt đất đều đã quá tải. Nếu không có các trục đường trên cao chia tải thì giao thông thành phố sẽ khó được cải thiện.
Hệ thống metro cũng cần được triển khai ngay để giải quyết bài toàn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở thành phố. Trị giá mỗi tuyến metro ước tính hàng tỷ USD. TPHCM đang tìm các nguồn tài trợ để thực hiện nhưng việc lo vốn đối ứng cũng không hề đơn giản.
Hệ thống đường cao tốc liên vùng, về cơ bản sẽ do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. Tuy nhiên, TPHCM cũng phải có trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Hệ thống này hình thành sẽ gián tiếp giúp thành phố giãn dân ra ngoại thành, thậm chí ra các tỉnh lân cận và góp phần làm giảm ách tắc giao thông ở thành phố.
Theo Sở GTVT TPHCM, trung bình mỗi năm TPHCM cần khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, trong khi nguồn vốn ngân sách của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Để bù đắp vào phần thiếu hụt này, TPHCM đã tìm nhiều giải pháp để tạo vốn như kêu gọi xã hội hóa bằng các hình thức BOT, BT, đổi đất lấy hạ tầng…
Thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phát hành trái phiếu để tạo vốn làm hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, cái khó là không thể áp dụng hình thức BOT (doanh nghiệp thu phí hoàn vốn) quá nhiều trong nội thành.
Hình thức BT (doanh nghiệp ứng vốn xây dựng trước, TPHCM trả tiền sau) cũng không ổn lắm vì điều đó có nghĩa là thành phố cũng phải… có tiền để trả. Hình thức đổi đất lấy hạ tầng cũng không dễ vì quỹ đất của thành phố không còn nhiều… Do vậy, việc tìm được nguồn vốn khổng lồ trên để giải quyết bài toán giao thông đang là một vấn đề khó khăn của thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng