Top

Đầu tư hạ tầng: cần hợp tác công - tư

Cập nhật 14/09/2008 10:00

Thiếu nguồn ngân sách để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết quốc gia trên thế giới đều tìm đến hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP).

Ở VN, hình thức hợp tác này còn được biết đến với tên gọi khác - xã hội hóa đầu tư. Một hội thảo do Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) phối hợp với Bộ KH-ĐT tổ chức ngày 12-9 giúp nhìn nhận đầy đủ mặt lợi, hại của hình thức này.

Nên mở rộng cho tư nhân tham gia...

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ KH-ĐT Trương Văn Đoan cho biết VN chủ yếu dựa vào nguồn vốn nhà nước và một phần vốn ODA để phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, hai nguồn vốn này không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển đường sá, hạ tầng, cảng biển, sân bay... trong những năm tới. “Để phát triển hạ tầng rất cần sự hợp tác, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp tư nhân” - ông Đoan nói.

Theo TS Jim Winkler - giám đốc VNCI, hầu hết chính phủ không thể cung cấp đủ tài chính cho mọi dự án cơ sở hạ tầng. Với những dự án có doanh thu như cầu cảng, đường sá... thì có cơ hội thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để chính phủ không phải dùng thuế của dân cho mọi việc. Nhưng một số loại hình cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân sẽ không tham gia thực hiện mà bắt buộc phải do chính phủ đầu tư. Đặc biệt, trong trường hợp chính phủ cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân như xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở từ thiện... thì phải có đảm bảo hoặc trợ cấp cho nhà đầu tư. “Nhìn chung chính phủ phải phân tích để xác định đâu là hình thức tốt nhất để xây dựng cơ sở hạ tầng” - ông Winkler nói.

Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy khu vực tư nhân vẫn tham gia mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng không sinh lợi như nhà giam chẳng hạn. Và để thu hút nhà đầu tư, chính quyền liên bang sẽ phát hành nợ bằng trái phiếu.

Cẩn thận kẻo... hớ

Một thực tế mà chuyên gia tư vấn quốc tế Ben Darche chia sẻ với đồng nghiệp VN là không nên kỳ vọng vào công ty mẹ ở xa tít đâu đó, mà phải thẩm định năng lực của công ty con trực tiếp đấu thầu dự án. Nhìn từ góc độ quốc tế, các ngân hàng thường xem xét khả năng thu lợi nhuận của một dự án cụ thể để cho vay chứ không tính đến công ty mẹ.

Ông Ben Darche lấy ví dụ Công ty Cấp nước của Pháp có rất nhiều chi nhánh ở các quốc gia nhưng công ty mẹ đặt tại Pháp không bị ràng buộc trách nhiệm bảo lãnh công ty con. Vì thế nếu có vấn đề xảy ra với công ty con khiến họ không thể trang trải khoản vay, phá sản thì các ngân hàng không thể truy đòi công ty mẹ. “Đấy là những đặc điểm cơ bản về pháp lý cần lưu ý” - ông nói.

Ông Đặng Huy Đông - vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) - cho biết hình thức dự án PPP phổ biến tại VN trong hai năm qua là BOT và BT (dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 3, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...), nhưng hầu hết do nhà đầu tư chủ động đưa ra đề xuất. Theo ông Đông, không thể dựa vào ấn tượng, cảm nhận hoặc do chủ động từ một phía nhà đầu tư để làm cơ sở tiến hành một dự án PPP. “Nếu không có đầy đủ thông tin, chính xác làm sao có hiểu biết cần thiết đứng ra đàm phán để không bị hớ?” - ông Đông đặt vấn đề.

Chuyên gia Ben Darche cũng cho hay trên thế giới nhiều chính phủ đã rút ra bài học kinh nghiệm là bản thân họ phải chịu khó phân tích dự án. “Ở đây không chỉ có chuyện mời đầu tư mà phải là cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí rẻ hơn. Đó là cốt lõi của PPP” - ông Darche nói.

Một thách thức khác có khả năng làm đổ bể dự án PPP nằm ở hệ thống quy định luật pháp của nước sở tại. Nếu luật pháp trong nước mâu thuẫn, nguy cơ thất bại là rất cao. Ở Colombia có một dự án PPP về phân phối nước sinh hoạt nhưng trong hợp đồng không ghi rõ tiền nước thanh toán thế nào. Sau đó chính quyền thay đổi luật pháp về cách tính tiền nước - điều này mâu thuẫn với hợp đồng, dẫn tới việc hủy hợp đồng và chính quyền địa phương phải đền bù toàn bộ tiền đầu tư ban đầu và lãi.

* Ông Jim Winkler (giám đốc VNCI):

Nên có 20-30 dự án PPP mỗi năm

PPP không phải là mới nhưng lỗ hổng ở VN là khung pháp lý và khả năng quản trị để quản lý dự án. VN phải tiến tới không phải mỗi năm làm một dự án PPP mà có thể 20-30 dự án/năm, điều đó giúp xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng. Hiện nay có nhiều dự án đang bị “treo”. Vì vậy, cần bàn về việc xây dựng một hệ thống thông qua khuôn khổ pháp lý và năng lực quản lý của cơ quan quản lý PPP nằm trong Bộ KH-ĐT như ở Singapore hay Anh.


Theo Địa Ốc TTO