Rất nhiều các Tổng công ty lớn trong ngành xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội đặc biệt việc xin chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại vốn đang bế tắc sang xây dựng nhà ở xã hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02, trong đó Chính phủ sẽ ưu tiên miễn giảm thuế đất, thuế VAT. Đồng thời, với sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay ưu đãi lãi suất thấp dưới 10%... Điều này đã khiến nhiều công ty lớn đổ xô đi làm nhà thu nhập thấp với mức giá chỉ 6 – 8 triệu đồng/m2.
Theo một tính toán trong tháng 1/2013, tính chung trong cả năm 2013 đã có đến 7 dự án nhà thu nhập thấp (TNT) được triển khai với số lượng lên đến hơn 11.000 căn hộ.
Cụ thể: dự án nhà TNT Bắc An Khanh (Vân Canh, Hoài Đức) do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư sẽ cung cấp 5.196 căn hộ. Tổng Công ty đầu tư và phát triền nhà đô thị (HUD) với 2 dựa án nhà TNT là Tây nam Linh Đàm 800 căn hộ và Thanh Lâm – Đại Thịnh II 2.200 căn hộ. Dự án nhà TNT CT3 – CT4 Kim Chung do Vinaconex làm chủ đầu tư sẽ cung cấp 1.528 căn hộ. Dự án B4-CT1, B5-CT2 Bắc Cổ Nhuế Chèm (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) do Cty cổ phần Đầu tư và thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư sẽ cung cấp 310 căn và dự án nhà TNT Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội) do Tổng Cty Viglacera thực hiện có quy mô hơn 1.000 căn hộ.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS đóng băng sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Hiện nay dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS khoảng 1.500.000 tỷ đồng, nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy “tháo ngòi nổ” BĐS hiện nay đang là vấn đề cấp bách. Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại quan tâm đến thị trường BĐS như hiện nay. Không chỉ Bộ Xây dựng, mà cả Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đều đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng, hàng đầu hiện nay là bàn giải pháp cụ thể về làm nhà ở xã hội, vì đây chính là cách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Với khối lượng các dự án BĐS trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì nhu cầu phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Chính vì vậy, rất cần phải kiểm soát phát triển, phải rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi. Người dân thì có nhà, doanh nghiệp thì có việc làm, thu nhập, thị trường BĐS phát triển sẽ làm cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng. “Nhà ở xã hội nên có diện tích vừa phải, giá phải rẻ, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới để kéo giá nhà rẻ xuống, phù hợp với nhu cầu chi trả của đại bộ phận người mua” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
|