Phần mở rộng công viên Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đoạn từ bến tàu khách đến nhà hàng Sao Hôm khánh thành và đưa vào sử dụng mới hơn hai năm. Thế nhưng hiện nay nhiều nơi gạch lát nền, bồn hoa, thành bờ kè bị bong tróc, nứt nẻ, xiêu vẹo...
Khu vực bị lún sụt nghiêm trọng nhất là phần tiếp giáp với bến tàu khách Cần Thơ. Dọc theo tường của bến tàu vào đến tận giữa công viên có hàng loạt hố lồi lõm. Có nơi lún gần cả mét. Ngay cổng ra vào giữa bến tàu và công viên là ba hố sâu, phần gạch đã bị bong tróc hết.
Người dân và bảo vệ công viên phải lấy bao cát, bêtông phế thải bỏ xuống chèn để không bị sạt lở thêm. Riêng bên trái cửa ra vào một hố rộng hơn 1m, dài gần 2m, sâu gần 1m vẫn chưa được lấp.
Sửa xong lại hư
Một bảo vệ công viên cho hay khu vực này bị sụt lún không biết bao nhiêu lần rồi. Công ty môi trường đô thị dùng bao cát lấp nhiều lần nhưng chẳng bao lâu sau lại tiếp tục bị lún. Anh Liêm, một người buôn bán thường nhận hàng ở đây rồi đưa ra bến tàu chở đi các nơi. Tuy nhiên nhiều lần việc sụt lún khiến anh không thể nhận hàng.
Ngay sát vách nhà hàng Sao Hôm, công nhân phải đổ đất, san lấp phần đất bị lún sụt cũng như lát lại nền gạch bị bong tróc lởm chởm. Cách nền nhà hàng Sao Hôm chừng 1m là một hố sâu rộng gần 2m, dài gần 3m khiến phần nền phía trên bị hạ xuống. Nhiều nơi lồi lõm, gạch bong lên. Một bảo vệ công viên nói vì trước đây phần nền nhà cổ rỗng, khi làm công viên mới bơm cát vào. Khi nước lớn rút qua các khe hở khiến cát bị trôi theo gây lún sụt.
Dọc theo mé sông, sự bệ rạc của công viên dễ dàng nhận thấy qua những hố lồi lõm trên nền gạch. Những bồn hoa sát mé sông bị nứt, các trụ của tường bờ kè bị xô lệch.
Chân bờ kè cũng bị xói lở nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, ở những nơi chân bờ kè bị sạt lở thì phần nền phía trên cũng bị lún hoặc xê dịch. Ngoài bức tường thẳng đứng, chân bờ kè còn được kè bởi những miếng bê tông hình lục giác ngay sát mép nước. Tuy nhiên nhiều nơi những miếng bêtông đã biến mất hoặc sạt lở kéo dài cả mét.
Lún tự nhiên?
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Phát - trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ninh Kiều - cho biết khi thi công phải bơm cát vào san lấp mặt bằng. Có điều vì bờ kè sát mép nước nên không thể dùng xe lu để lu cho cát kết xuống mà phải để cho cát lún tự nhiên. Vì vậy sau một thời gian nhiều nơi cát bị lún dẫn đến việc sụt lún. Ông Phát cho biết thêm sau hơn hai năm đưa vào sử dụng, cát đã lún ổn định nên sẽ bắt đầu sửa chữa từng phần. Sau khi sửa chữa khu vực sụt lún tại nhà hàng Sao Hôm sẽ đến các khu vực còn lại như tại bến tàu khách Cần Thơ.
Trong khi đó, một cán bộ của ban quản lý cho rằng có thể lớp vải kỹ thuật bị lủng khiến cát bị chuồi ra ngoài gây lún sụt. Anh này giải thích thêm: sau khi đóng cọc, đơn vị thi công đã trải một lớp vải địa kỹ thuật trước khi đổ cát lên. Trong quá trình sử dụng có thể lớp vải này bị rách dẫn đến việc sụt lún cục bộ.
Về phần kè ở mép nước bị bong tróc, xói lở, ông Phát nói nguyên nhân do thiết kế chưa phù hợp. Ông cho rằng các miếng bêtông này để làm đẹp là chính bởi chu vi quá nhỏ, liên kết giữa các miếng khác nhau không chắc chắn, không chịu nổi sóng do tàu bè chạy trên sông gây ra. Dự kiến sau khi khắc phục xong những điểm lún sụt phía trên ban quản lý sẽ tiếp tục xử lý phần sạt lở của bờ kè.
Theo Minh Giảng - Tuổi Trẻ