Top

Phú Thọ: Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý và sử dụng đất

Cập nhật 31/08/2007 13:00

Sau một tháng HĐND tỉnh Phú Thọ đi kiểm tra tình hình sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, đoàn kiểm tra đã kết luận: "Tình trạng vi phạm luật đất đai đã xảy ra ở hầu hết các huyện thị trong tỉnh".

Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc với một số địa phương và các sở, ngành hữu quan nhằm bàn giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn sai phạm phát sinh, các địa phương cùng các ngành đều thống nhất phải kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất, nếu không sẽ dẫn đến xung đột về quyền lợi giữa những người dân bị thu hồi đất với những người được giao đất.

Theo đó, với các diện tích sau 12 tháng chưa đưa vào sử dụng sẽ dứt khoát bị thu hồi lại; các dự án đã, đang giải phóng mặt bằng hoặc tiến độ đầu tư kéo dài sẽ được gia hạn khoảng thời gian thích hợp để hoàn thành, nếu hết thời gian gia hạn mà vẫn chưa thực hiện xong theo cam kết thì cũng sẽ bị thu hồi lại đất; các diện tích lấn chiếm hoặc bị lấn chiếm cũng phải xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án thu hồi; với các diện tích sử dụng không đúng mục đích, hoặc chuyển nhượng, cho thuê không đúng luật cũng sẽ bị xử phạt hành chính và thu hồi lại đất.

Đồng thời, những dự án được giao diện tích không hợp lý sẽ phải điều chỉnh lại; tỉnh sẽ không được hợp thức hóa cho các dự án sử dụng đất sai mục đích. Trong các trường hợp này, chủ dự án sẽ phải làm lại từ đầu toàn bộ các thủ tục xin cấp phép kinh doanh, xin giao đất.

Những diện tích đất thu hồi có thể giao cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu hoặc giao lại cho địa phương quản lý sử dụng cho các chương trình phù hợp. Và điều quan trọng nhất là khi các quyết định xử lý được ban hành, các cấp, ngành và các địa phương phải đảm bảo tổ chức thực hiện nghiêm túc để đảm bảo tính công minh đồng thời cũng có tác dụng ngăn chặn những sai phạm phát sinh về sau.

Không chỉ tập trung vào xử lý các sai phạm tồn tại, để củng cố, chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất đai cần được bắt đầu từ việc khắc phục chính nguyên nhân của những tồn tại cũ. Thường trực HĐND tỉnh đã đề xuất với UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành hữu quan nâng cao năng lực thẩm định dự án trong quá trình xét duyệt và giao đất.
 
Để việc xét duyệt thẩm định dự án thuận lợi, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và các địa phương nơi thực hiện dự án để chia sẻ thông tin, hỗ trợ tích cực cho công tác thẩm định giao đất được chính xác.

UBND tỉnh cũng cần phải ban hành các cơ chế chặt chẽ để ràng buộc doanh nghiệp, buộc họ phải tuân thủ đúng tiến độ đầu tư. Các doanh nghiệp có thể phải đặt cọc một số tiền cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ; hoặc quá trình giao đất không thực hiện giao một lần, nhất là với những dự án lớn, mà thực hiện giao đất theo tiến độ thực hiện dự án đã được cam kết trước giữa doanh nghiệp với địa phương.

Vấn đề ưu đãi thuế cũng là một phần nguyên nhân khiến các chủ dự án cứ thoải mái chây ỳ, không đưa đất vào sử dụng trong khi vẫn được miễn giảm thuế. Vì thế, UBND tỉnh nên xem xét lại chính sách và các điều kiện miễn giảm sao cho phù hợp tránh để các doanh nghiệp lạm dụng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất lập hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 270.000m2 của 21 doanh nghiệp, trong đó Việt Trì có 13 doanh nghiệp với diện tích là 193.700m2 và thị xã Phú Thọ có 8 doanh nghiệp với diện tích là 76.300m2.

Đồng thời, Sở cũng phối hợp với các huyện lập hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất của một số doanh nghiệp vi phạm Luật Đất đai theo kết luận của các đoàn kiểm tra và giao lại đất cho các địa phương quản lý và đưa vào sử dụng đúng mục đích.

Toàn tỉnh đã kiểm tra được ở 396 doanh nghiệp, trong đó đoàn tỉnh kiểm tra được 92 doanh nghiệp và các huyện kiểm tra 304 doanh nghiệp. Các đoàn kiểm tra bước đầu tập trung kiểm tra ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Thanh Ba, Thanh Thủy…
 
Kết quả kiểm tra cho thấy, trong tổng số 46.862.223m2 đất đã giao cho các doanh nghiệp theo như dự án thì số diện tích đất đang được các doanh nghiệp quản lý sử dụng chỉ là 26.478.704m2, bằng 56,5% tổng diện tích đất giao. Trong đó lại có 9.313.610m2 vi phạm Luật Đất đai, chiếm 19,9% diện tích đất giao và 35,2% diện tích đất các doanh nghiệp đang quản lý sử dụng.

Trong tổng số 12 huyện, thành, thị trong tỉnh chỉ có Đoan Hùng và Lâm Thao có diện tích đất vi phạm dừng lại ở con số hơn 40.000m2, các huyện còn lại đều có tới vài trăm ngàn mét vuông, thậm chí huyện Thanh Sơn còn lên đến gần 7 triệu m2 đất vi phạm luật. Các vi phạm phổ biến nhất là sử dụng lãng phí, sử dụng không hiệu quả, giao và cho thuê không đúng thẩm quyền, sử dụng không đúng mục đích, chuyển nhượng không đúng luật, lấn chiếm đất công và bị lấn chiếm…

Ví dụ như Công ty cổ phần Công đoàn Bãi Bằng được giao 10.280m2 đất ở xã Phù Ninh - huyện Phù Ninh, từ năm 2005. Đến nay Công ty vẫn chưa làm thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân, vì thế vẫn chưa thể đưa được diện tích đất được giao cho thuê vào sử dụng. Trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm (Liên đoàn lao động tỉnh) cũng được giao 25.310m2 tại xã Phù Ninh từ năm 2003.

Đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chưa thể tiến hành giao đất cũng như quyết định phê duyệt dự án đầu tư chỉ vì chưa hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, hầu như huyện nào cũng có tình trạng doanh nghiệp bỏ đất hoang hoá, huyện nhiều nhất là Thanh Thủy có tới trên 534.000m2 chưa đưa vào sử dụng; huyện ít là Yên Lập cũng có 500m2 chưa được sử dụng sau 12 tháng giao đất.

Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả và chuyển nhượng bất hợp pháp cũng diễn ra ở nhiều địa phương với trên 1 triệu m2 đất vi phạm.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra còn cho thấy trong tổng số 250 doanh nghiệp đã được giao đất từ 1/7/2004 đến 31/5/2007 mới có 130 doanh nghiệp ký hợp đồng và nộp tiền thuê đất (một lần) với diện tích là 2.737.955m2, đạt tỷ lệ 52% về số đơn vị và 37,5% về số diện tích được giao. Tình trạng xây dựng sai giấy phép, không cấp phép vẫn còn diễn ra.

Theo Bộ TN & MT VN