Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ quy hoạch chi tiết 1/2000 phủ kín diện tích đất xây dựng đô thị lớn nhất toàn quốc.
Tuy nhiên, đợt thanh tra vừa qua, Bộ Xây dựng cho rằng hầu hết quy hoạch được lập còn sơ sài, đều thiếu 4 loại bản đồ, gồm: bản đồ tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc và cảnh quan (mặt bằng và mặt đứng triển khai); quy hoạch hạ tầng kỹ thuật kèm theo các bản vẽ thiết kế chi tiết; tổng hợp hệ thống đường dây và đường ống kỹ thuật; chỉ giới đường đỏ (đường ranh giới giữa phần quy hoạch dành cho các công trình giao thông, công cộng... với phạm vi xây dựng đô thị, nhà dân) và chỉ giới xây dựng.
Ngoài ra, các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố cũng chưa thực hiện tốt việc công bố các đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết dưới các hình thức khác nhau để người dân biết, thực hiện và giám sát. Thông thường, nhiều quy hoạch được công bố sau khi đã phê duyệt vài tháng. Việc cắm mốc giới ngoài thực địa không thực hiện đúng theo quy định tại điều 32 Luật Xây dựng, điều 38 Nghị định 08/2005/CP của Chính phủ, quy hoạch thường chỉ công bố “chay” sau đó khâu cắm mốc lại làm theo quy trình và thời gian khác rất phiền hà.
Vì thiếu 4 loại bản đồ quy hoạch quan trọng, nên về bản chất, quy hoạch xây dựng chi tiết của các quận, huyện đã lập chưa phải là quy hoạch hoàn chỉnh và không đúng với quy định. Đồng thời là lý do phát sinh khá nhiều quy trình không phù hợp với quy định của luật như việc thỏa thuận địa điểm, thỏa thuận kiến trúc, xin mốc giới, chỉ giới, cốt xây dựng... gây phiền hà, bức xúc cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.
Một bức xúc khác là cốt xây dựng - nội dung liên quan đến mọi dự án, mọi người dân khi có nhu cầu xây dựng. Theo quy định, cốt xây dựng đô thị phải được xác lập từ khâu lập đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 - 1/2000. Cốt xây dựng chuẩn phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng quản lý thống nhất và cung cấp cho các dự án khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay việc cấp cốt xây dựng chỉ được thực hiện đối với từng dự án, từng tuyến đường, việc kiểm tra xây dựng theo cốt chuẩn chưa được thực hiện dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án nói chung, dự án thoát nước nói riêng của thành phố hiệu quả thấp và tốn kém. Trên thực tế, có nơi sau khi giải phóng mặt bằng, do không được cấp cốt chuẩn, nhà dân đã xây dựng thấp hơn mặt đường tới cả mét, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Cũng liên quan đến việc cung cấp thông tin quy hoạch, nhiều vấn đề tồn tại được chỉ ra. Chẳng hạn, nội dung chứng chỉ quy hoạch đã cấp, thời điểm trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực, chỉ ghi địa điểm xây dựng, đồng ý với phương án tổng mặt bằng quy mô đất xây dựng, mật độ xây dựng tối đa và một số điểm lưu ý là không đúng với quy định. Điều này tạo kẽ hở về pháp luật khiến cho các chủ công trình xây dựng tự do xây cao thấp, tùy tiện tạo dựng kiểu dáng kiến trúc...
Cơ quan cấp phép xây dựng cũng thoải mái vận dụng cấp phép bổ sung, nhưng lại khó tìm căn cứ pháp lý để xử lý người vi phạm. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho rằng khoản 2, điều 1, Quyết định 110/2004/QĐ - UB ngày 20 - 7 - 2004 của UBND thành phố quy định Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đầu mối quản lý chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch và cung cấp các số liệu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố, một công việc rất quan trọng, là trái với Luật Xây dựng, cần bãi bỏ.
Trước những hậu quả của việc không tuân thủ triệt để quy hoạch như nhà xây không phép, sai phép thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Hà Nội một số điểm, trong đó yêu cầu bỏ những quy định không đúng với pháp luật hiện hành; bổ sung một số điều cụ thể tại quy định thu phí, lệ phí công trình xây dựng và quy định cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố.
Tất cả các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt và tổ chức công bố đều phải được đưa đầy đủ lên trang thông tin điện tử của thành phố và Sở Quy hoạch - Kiến trúc để người dân, cũng như các tổ chức có nhu cầu tiếp cận thuận lợi.
Theo Y.L - Hanoimoi