Top

Các Sàn giao dịch bất động sản: Chờ thanh lọc

Cập nhật 01/04/2009 17:20

Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản (BĐS) vừa chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh thị trường BĐS còn trầm lắng, đây được coi là trợ lực tích cực đối với các sàn BĐS. Tuy nhiên, các sàn vẫn vắng bóng giao dịch.

Theo Nghị định trên, trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS, hành vi bán, cho thuê mua BĐS (thuộc diện phải qua sàn giao dịch BĐS) mà không thông qua sàn giao dịch; kinh doanh BĐS không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh... sẽ bị phạt từ 60 đến 70 triệu đồng. Quá trình xử lý vi phạm, ngoài phạt tiền, các DN, cá nhân cũng phải thực hiện ngay các quy định bắt buộc khác theo luật định. Việc vi phạm kéo dài cũng có thể rút giấy phép hoạt động. Đối với các sàn giao dịch BĐS đây được coi là công cụ hỗ trợ tích cực thúc đẩy hoạt động giao dịch BĐS theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và thu hút được nhiều khách hàng đến với sàn.

Theo các chuyên gia, việc giao dịch BĐS qua sàn có lợi cho cả người bán, người mua, người đi thuê và người cho thuê BĐS. Tại sàn giao dịch, người mua có nhiều điều kiện lựa chọn phù hợp và người bán cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều người có nhu cầu. Mọi giao dịch BĐS thực hiện qua sàn giao dịch sẽ giúp cho thị trường BĐS trở nên minh bạch, không bị méo mó do đầu cơ và phát triển đúng hướng. Các sàn giao dịch sẽ phải cạnh tranh và đưa ra mức phí hợp lý để thu hút người tham gia giao dịch và mức phí sẽ rất thấp. Về mặt thủ tục cũng sẽ đơn giản hơn.

Cũng giống như thị trường chứng khoán, đầu năm 2008 khi thị trường BĐS đang nóng, hàng loạt sàn giao dịch BĐS đã ra đời. Kiểu mở sàn theo phong trào khiến con số các sàn giao dịch BĐS hiện nay lên đến hơn 100. Tuy nhiên những sàn có quy mô cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và trong lúc thị trường đang trầm lắng như hiện nay, chỉ có sàn nào đủ tiềm lực tài chính và hoạt động chuyên nghiệp mới có thể tồn tại.

Ông Đào Đình Thi - GĐ Cty kinh doanh BĐS Viglacera cho biết: "Chúng tôi có lợi thế là giới thiệu và bán các sản phẩm của Viglacera nên được sự hỗ trợ kinh phí rất lớn của Viglacera. Song, nếu hoạt động vẫn phụ thuộc nguồn thu từ phí dịch vụ, sẽ cực kỳ khó khăn, nhất là khi thị trường còn trong giai đoạn trầm lắng".

Rất nhiều ý kiến cho rằng các sàn giao dịch sẽ còn khó khăn kéo dài ít nhất trong ba đến 4 năm tới. Thứ nhất là do thị trường BĐS đang trong giai đoạn trầm lắng, thứ 2 là đa số các tổ chức và cá nhân vẫn đang giao dịch không qua sàn. Do hiện nay quy định chỉ bắt buộc các tổ chức phải giao dịch qua sàn trong khi đó các giao dịch giữa các cá nhân lại phổ biến. Ngay cả sàn giao dịch BĐS hiện đại bậc nhất hiện nay là Viglacera hay Sacomreal số lượng giao dịch thành công trên sàn rất ít. Trong khi đó chi phí duy trì hoạt động của sàn mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng.

Cũng theo ông Thi: Về lâu dài, để tạo điều kiện cho các sàn giao dịch BĐS hoạt động tốt và thúc đẩy hoạt động giao dịch BĐS phát triển thì các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện quy chế chính sách. Chẳng hạn, hiện nay các giao dịch BĐS đều phải thông qua công chứng trước khi làm sổ đỏ hoặc sang tên. Theo tôi nghĩ, khi giao dịch qua sàn thì giao dịch đó không cần phải qua công chứng mà có thể lấy đó làm cơ sở để làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ hoặc sang tên.

Như vậy sẽ làm giảm thủ tục hành chính và sẽ thu hút được nhiều giao dịch thông qua sàn. Khi thị trường BĐS phát triển hơn nữa, đồng hành cùng sự phát triển của các sàn giao dịch thì người dân sẽ tự nguyện tham gia quá trình minh bạch trong giao dịch.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp