Chiều 31-3, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã công bố các cơ chế, chính sách của Chính phủ để phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp.
Theo Bộ Xây dựng, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, còn trên 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2, trong đó 19% gia đình còn sống trong những căn nhà tạm bợ… Theo đánh giá chung, có khoảng 15-20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị thật sự gặp khó khăn về nhà ở.
8.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở cho sinh viên
Từ những vấn đề trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2009, Chính phủ đã thảo luận các giải pháp để xây dựng nhà xã hội. Về cơ bản Chính phủ đã thống nhất chủ trương đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở để cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và công nhân khu công nghiệp thuê, và phát triển nhà ở giá thấp để bán cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Mục tiêu là đến năm 2015, đáp ứng cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Cụ thể, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê chủ yếu do Nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách. Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định. Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, Chính phủ thống nhất cho phép UBND TP.HCM và Hà Nội khởi công xây dựng ngay trong năm 2009, hoàn thành trong năm 2010 và quý 2-2011 khoảng 200.000 chỗ ở từ nguồn trái phiếu chính phủ (8.000 tỉ đồng). Chi phí cho học sinh, sinh viên thuê nhà chỉ tính đủ chi phí điện, nước và duy tu, bảo dưỡng, không tính thu hồi vốn.
Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Chính phủ quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng hạ tầng cũng như bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân. Giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp do các chủ đầu tư dự án nhà ở xác định, nhưng không cao hơn giá cho thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh quy định. Người thuê nhà ở công nhân không được cho thuê lại, cho ở nhờ hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê cho người khác.
Chung cư Khu công nghiệp Tân Bình tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM dành cho người lao động có thu nhập thấp - Ảnh: N.C.T. |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam:
Ngành ngân hàng vào cuộc
Theo tính toán thì căn hộ chung cư trung bình tùy theo vị trí có thể có giá 200-300 triệu đồng, với giá đó người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.
Có hai hướng để tiếp cận. Thứ nhất, với những người không đủ tiền mua nhà thì có thể thuê, tiền thuê hằng tháng chỉ 20-25% thu nhập của hộ gia đình. Thứ hai, sẽ có cơ chế để ngân hàng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà với điều kiện đối tượng có một số vốn đối ứng nhất định. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo ngành ngân hàng vào cuộc trong vấn đề này.
* Ông Lê Văn Thành (phụ trách phòng nghiên cứu phát triển đô thị Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM):
“Bốn yếu tố” chưa sẵn sàng
Có bốn yếu tố hình thành nên thị trường nhà giá thấp: nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng và người dân. Hiện nay, cả bốn yếu tố trên đều chưa sẵn sàng tham gia thị trường này. Muốn hình thành quỹ nhà giá thấp thì Nhà nước phải có đất “sạch” (đất đã giải tỏa) giao cho doanh nghiệp. Có thể Nhà nước tự bỏ tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc thu hồi những khu đất công. Đây là vấn đề cốt yếu để hình thành nhà giá thấp. Nếu cứ nói không thu tiền sử dụng đất mà bắt doanh nghiệp phải tự đi tìm quỹ đất để xây dựng thì khó có doanh nghiệp nào chịu tham gia. Vì doanh nghiệp thu hồi đất theo giá thị trường, dù có miễn tiền sử dụng đất thì giá thành vẫn bị đẩy lên cao.
* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Chính sách còn vướng nhiều chỗ
Chương trình nhà ở xã hội được Luật nhà ở quy định nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được do chính sách còn vướng nhiều chỗ. Khung giá thuê, thuê mua (bán trả góp) nhà ở xã hội hiện được quy định quá thấp, mang nặng tính bao cấp, nếu triển khai thì chỉ có Nhà nước mới có thể xây nhà ở xã hội để cho thuê. Riêng nhà ở xã hội xây để bán trả góp thì các doanh nghiệp có thể tham gia nhưng cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp này do thời gian để nhà đầu tư thu hồi vốn kéo dài (hơn 20 năm). Ngoài chính sách miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế VAT..., Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng, được bù lãi suất khi vay đầu tư cho chương trình này.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO