Mặc dù đã có nhiều cuộc rà soát về việc sử dụng đất công trên địa bàn thành phố, nhưng gần chục năm qua, không hiểu vì lý do gì mà 540m đất tại số nhà 35 Điện Biên Phủ (Hà Nội) trị giá hàng ngàn tỷ đồng thuộc sở hữu nhà nước lại bị bỏ quên không cơ quan nào quản lý. Hiện cả nước có bao nhiêu khu đất trong tình trạng như vậy, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự buông lỏng quản lý này?
Nhìn bên ngoài, có thể dễ dàng nhận thấy khu đất thuộc số nhà 35 Điện Biên Phủ là khu tổ hợp dịch vụ, tầng hầm và tầng trệt được dùng kinh doanh quán ba, cà phê, hội nghị, tiệc cưới; còn diện tích các tầng phía trên dùng để cho thuê văn phòng. Chỉ một mét vuông ở khu đất vàng này, giá cho thuê ít nhất cũng gần 500 ngàn đồng. Nhẩm tính sơ sơ, với vài ngàn mét vuông sàn, người cho thuê hàng năm cũng thu về bạc tỷ.
Đơn vị quản lý khu nhà này là Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội, bởi đây là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, thế nhưng gần chục năm nay, toàn bộ số tiền thu được từ dịch vụ cho thuê không thu được đồng nào vào ngân sách. Khu đất vàng trị giá hàng ngàn tỷ đồng không hiểu vô tình hay cố ý đã bị bỏ quên, thậm chí đơn vị quản lý nhà cũng không ký hợp đồng cho thuê, người “nhặt” được tài sản để quên khổng lồ này là Viện nghiên cứu phát triển đô thị SENA.
Gần chục năm nay, họ dùng tài sản không mất tiền thuê, mua để kinh doanh cho thuê dịch vụ, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm mà không bị bất kỳ đơn vị nào quản lý. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị quản lý nhà giải thích, tài sản nhà nước bị bỏ quên là một thiếu sót…
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng quản lý nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Đây cũng là một thiếu sót của cơ quan quản lý nhà, về phía Sở, đã có yêu cầu công ty quản lý nhà, kiến nghị thu hồi. Phát hiện là trách nhiệm của toàn dân chứ không phải của cơ quan nào...”.
Về chức năng quản lý đất đai, nếu thành phố bỏ quên, thì UBND phường - nơi có đất phải theo dõi. Đại diện phường Điện Biên cho biết: Đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn phường, nhưng không thể xử lý, vì chỉ có chức năng quản lý hành chính trên giấy tờ.
Ông Lê Văn Định, Chủ tịch UBND phường Điện Biên: “Cho thuê đất thuộc Sở Tài nguyên ký, phường không được tham gia. Rất nhiều cơ quan nhà nước sử dụng đất không đúng chức năng, nhưng kiến nghị lên cơ quan cấp trên báo cáo, xử lý không thuộc thẩm quyền phường”.
Theo PGS.TS Đặng Hùng Võ, việc bỏ quên tài sản lớn của nhà nước không quản lý, hay dùng đất nhà nước cho thuê văn phòng, quán bia… là căn bệnh trầm kha khó chữa, nó giống như việc nhà lấn chiếm, nhà xây dựng trái phép mặc dù bị cấm, nhưng vẫn tồn tại ngang nhiên trước sự quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Cuối cùng vẫn là câu chuyện về quản lý.
Ông Đặng Hùng Võ: “Việc sử dụng không đúng mục đích là cách sinh lời cao, đây là tình trạng hay gặp ở các địa phương buông lỏng quản lý. Nghị định 181 hướng dẫn Luật Đất đai đã đưa ra cơ chế: Giao cho ai khi bàn giao mặt bằng phải có mặt đại diện phường. Nếu nói cấp cơ sở không biết là không đúng”.
Khu “đất vàng” 35 Điện Biên Phủ - một tài sản trị giá lớn của nhà nước bị bỏ quên hàng chục năm chỉ là một ví dụ cho câu chuyện quản lý đất công hiện nay, nhưng một tình tiết muốn thay cho lời kết của câu chuyện quản lý này là: Cũng cách đây gần 10 năm, sai phạm của khu nhà đã từng bị phát hiện, Hà Nội đã ra quyết định kiểm điểm cán bộ buông lỏng quản lý, nhưng rồi quyết định cũng bị lãng quên. Và rất may, đến nay sự việc này lại được một lần nữa phát hiện, nếu không, rất có thể nó sẽ trở thành tài sản riêng của ai đó một cách hợp pháp…
DiaOcOnline.vn - Theo VTV