“Không có chuyện chuyển trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất tại các chung cư từ chủ đầu tư sang người mua nhà”.
Ảnh minh họa.
|
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính trong thông báo vừa phát đi liên quan đến nội dung quy định trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất tại các chung cư theo Thông tư 76.
Theo đó, khi Luật Đất đai năm 2013 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Đồng thời, ngày 16/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 76/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 45 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2014.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư 76 được ban hành, dư luận đã dấy lên không ít tranh cãi liên quan đến trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất tại các chung cư.
Đặc biệt, khá nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc cho rằng Thông tư 76 đã khiến người mua nhà rơi vào cảnh “một cổ, hai tròng”, khi vừa phải trả tiền mua căn hộ vừa phải “è cổ” để nộp thuế đất thay cho chủ đầu tư.
Có thể nói, một làn sóng phản đối khá gay gắt đã diễn ra trên các phương tiện truyền thông với sự lên tiếng của người dân, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bất động sản.
Trao đổi với báo chí, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phản đối gay gắt: “Thông tư 76 đã quá thiên vị cho chủ đầu tư và gây thất thu cho ngân sách”.
Theo phân tích của ông Liêm, có 2 khoản lớn các chủ đầu tư dự án phải trả là tiền sử dụng đất và tiền xây dựng. Nếu chủ đầu tư không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền đầu tư xây dựng thì huy động vốn từ người mua nhà, thì hóa ra kinh doanh bất động sản chỉ là “tay không bắt giặc”.
Thậm chí, vị chuyên gia này còn thẳng thắn cho rằng, chính kiểu làm ăn chộp giật, yếu kém về tài chính nhưng lại cố xin dự án rồi bán lấy tiền là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản đổ vỡ trong thời gian qua.
Cũng đồng quan điểm trên, theo nhìn nhận của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, nhiều nội dung trong Thông tư 76 đã đi ngược lại với Luật Đất đai mới vừa được Quốc hội thông qua.
Chủ đầu tư muốn có đất làm dự án thì không thể không nộp tiền sử dụng đất, ông Võ khẳng định.
Trước những phản ứng dữ dội từ dư luận, Bộ Tài chính đã có ý kiến giải thích chính thức trên Bản tin tài chính kinh doanh của Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) phát sóng vào ngày 18/7/2014.
Tuy nhiên, những băn khoăn về tính minh bạch của một số nội dung trong Thông tư này vẫn tiếp tục gây sốt dư luận.
Trong thông báo vừa phát đi vào chiều tối 21/7, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra quan điểm về các vấn đề liên quan theo quy định cụ thể của pháp luật để giải thích cho Thông tư 76.
Thứ nhất, Điều 6 Thông tư số 76/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện khoản 3 Điều 4 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ không áp dụng đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trực tiếp cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê; trong trường hợp này chủ đầu tư dự án có nghĩa vụ phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi được giao đất theo quy định tại điểm b, c, đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP;
Nhà nước không thu tiền sử dụng đất trực tiếp của các hộ dân mua nhà của chủ đầu tư.
Việc mua, bán nhà giữa chủ đầu tư và các hộ dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về nhà ở.
Hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 76/2014/TT-BTC nêu trên chỉ áp dụng đối với trường hợp Nhà nước phải phân bổ để xác định tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc xác định giá trị tài sản là nhà gắn liền với đất đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước tại các tòa nhà nhiều tầng (nhà cao tầng, nhà chung cư, nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp) để phục vụ nhu cầu quản lý của Nhà nước.
Trong trường hợp này, nếu Nhà nước bán nhà và giao đất trực tiếp cho các đối tượng sử dụng thì các đối tượng này có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
Thứ hai, quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 76/2014/TT-BTC không phải là điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 mà chỉ là kế thừa và cụ thể hóa quy định có từ pháp luật đất đai năm 2003 (cụ thể là điểm 5 khoản 1 Điều 2 Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 93/2011/TT-BTC ngày 29/6/2011 của Bộ Tài chính) để đảm bảo tính hệ thống và thống nhất khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Sau thông báo lần thứ 2 này của Bộ Tài chính, chưa ai dám chắc phản ứng của dư luận liệu có “hạ nhiệt” hay không?
Tuy nhiên, sự việc lần này cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm luật ở Việt Nam trong việc đề cao tính minh bạch, rõ ràng của các đạo luật, tránh gây hiểu lầm.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE