Top

Bệnh lạ

Cập nhật 21/07/2014 13:58

Thông tư 76 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 45 của Chính phủ quy định thu tiền sử dụng đất đã bị người dân đồng loạt phản ứng về quy định khi mua chung cư phải nộp tiền sử dụng đất, thay vì chủ đầu tư như trước.


Sự phản ứng này gay gắt đến mức Cục trưởng Cục Công sản Bộ Tài chính phải đính chính rằng mọi việc chỉ là hiểu lầm: “Không có việc người dân phải nộp tiền cho Nhà nước sau khi đã mua nhà chung cư của chủ đầu tư. Điều 6 của Thông tư 76 áp dụng đối với phần diện tích của Nhà nước tại dự án chung cư khi Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đối với phần diện tích đó hoặc bán chuyển nhượng phần diện tích đó cho người dân”.

Khoan bàn đến nội dung cụ thể các quy định trong Thông tư 76 cũng như điều 6 của Thông tư này, sự hiểu lầm trên có thể coi là đáng tiếc. Bởi lẽ nếu đọc kỹ có lẽ đã không dẫn đến những phản ứng trên. Ngay từ mục đối tượng áp dụng, Thông tư 76 đã quy định rõ “Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất thuộc trường hợp phải nộp tiềng sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 42/2014/NĐ-CP”.

Như vậy, đối tượng mua nhà chung cư của các chủ đầu tư không nằm trong phạm vi điều chỉnh của thông tư này. Điều đáng tiếc thứ 2 đến từ cơ quan ban hành văn bản. Đó là việc không rõ ràng trong phạm vi điều chỉnh đã khiến người dân lẫn lộn.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên người dân phản ứng với 1 văn bản luật, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS bởi những quy định không rõ ràng, dễ hiểu lầm. Vụ việc lùm xùm quanh quy định cách tính diện tích chung cư theo thông thủy và tim tường của Bộ Xây dựng mới đây là một thí dụ. Dù cả 2 cách tính đều không sai nhưng quy định “nước đôi” đã dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.

Theo một chuyên gia tài chính, việc người dân, doanh nghiệp lười tìm hiểu, lười đọc văn bản luật không phải là “bệnh lạ”. Nhiều trường hợp mới chỉ nghe nói, đọc trên báo, nghe trên đài nhưng không tìm hiểu cụ thể đã vội la ó, phản ứng. Bên cạnh đó, chuyện văn bản pháp luật tối nghĩa, khiến người dân hiểu nhầm cũng không phải hiếm.

Cục Công sản Bộ Tài chính cũng như nhiều cơ quan chức năng khác sau những văn bản có phần tối nghĩa đều rút kinh nghiệm và hứa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền mỗi khi ra văn bản pháp luật mới. Tuy nhiên, có thể thấy để rút ngắn khoảng cách giữa người dân và các văn bản pháp luật là điều không dễ dàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sự minh bạch, lành mạnh trên thị trường BĐS vẫn ở mức độ thấp, mà để cải thiện vấn đề này cần sự điều chỉnh từ cả 2 phía cơ quan nhà nước và người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư