Để khu vực trung tâm Thủ đô sớm ổn định, sạch đẹp trước Đại lễ nghìn năm, UBND TP Hà Nội yêu cầu dự án xây dựng Trung tâm thương mại Chợ Hôm - Đức Viên không được khởi công muộn hơn 1/12/2007.
Theo điều tra sơ bộ, hiện trong khu chợ cũ này có 774 gian hàng với 615 hộ kinh doanh cố định ký hợp đồng thuê 1 năm/lần (trong đó có 56 hộ thuê 2 gian), 159 hộ kinh doanh thu vé chợ, 4 đơn vị thuê tầng 3 và 9 hộ dân đang sở hữu khoảng 480m2 đất. Ngoài mặt Phố Huế và Trần Xuân Soạn, có 17 ki-ốt hai tầng đã ký hợp đồng và nhận tiền 1 lần thuê đến năm 2023 - 2024.
Theo UBND TP Hà Nội, Chợ Hôm - Đức Viên được khuyến khích "xã hội hóa’’ xây dựng lại thành trung tâm thương mại hạng 3 trở lên (Quyết định 1538/QĐ-UBND ngày 23/4/2007) với 2 khối nhà dự kiến: khối Chợ Hôm khoảng 18 tầng và khối Đức Viên 5 tầng, đều có ít nhất 2 tầng hầm. Tổng diện tích mặt bằng hiện có của chợ là 6.038m2, với hệ số sử dụng đất 7,5 lần.
Ngoài ra, một diện tích công trình phù hợp được dành để bố trí chức năng chợ truyền thống, chuyên bán thực phẩm, rau quả (nhiều khả năng nằm trong khối Đức Viên).
Trách nhiệm chủ trì tổ chức giải phóng mặt bằng Chợ Hôm - Đức Viên được UBND TP giao cho UBND quận Hai Bà Trưng. Các đơn vị phối hợp gồm: chủ đầu tư và sở, ban, ngành liên quan, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại theo đúng kế hoạch, hoàn thành dự án trước 1/12/2009. Mức đền bù hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng phải theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm thống nhất với UBND quận Hai Bà Trưng trong việc tiếp nhận sắp xếp, sử dụng bộ máy Ban quản lý Chợ Hôm - Đức Viên sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, đồng thời bố trí và tái sắp xếp cho các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh tại đây có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp tục vào kinh doanh.
Hiện, UBND TP đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư (độc lập hoặc liên danh) để xây dựng Trung tâm thương mại Chợ Hôm - Đức Viên này, hội đủ các tiêu chí được khuyến khích như: đã và đang trực tiếp đầu tư, hoặc trực tiếp quản lý kinh doanh 1 trung tâm thương mại hạng 3 trở lên; được quyền đề xuất nộp tiền thuê hàng năm hoặc nộp tiền thuê 1 lần cho cả thời gian thuê đất (50 năm); cam kết hỗ trợ về tài chính cho Ngân sách Thành phố... để làm căn cứ phê duyệt.
Được biết, ban đầu có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau đã bỏ cuộc gần hết. Thành phố sẽ sớm công bố chủ đầu tư đích thực công trình này trong vài ngày tới.
Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại ban hành kèm Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại quy định: "Trung tâm thương mại hạng I có diện tích kinh doanh (là diện tích sàn kể cả lối đi lại của tất cả các tầng nhà) từ 50.000m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại.
Các công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có tính thẩm mỹ cao, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn, thuận tiện cho mọi đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Hoạt động đa chức năng cả về kinh doanh hàng hóa và kinh doanh các loại hình dịch vụ, bao gồm: khu vực để bố trí các cửa hàng bán buôn, bán lẻ hàng hóa; nhà hàng, khách sạn; khu vực để tổ chức hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu hàng hóa; khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng làm việc, hội trường, phòng họp để tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao dịch và ký kết các hợp đồng thương mại trong ngoài nước; khu vực dành cho các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tin học, tư vấn, môi giới đầu tư, du lịch".
Hoàng Huy - Theo Vietnamnet