Top

Nhức nhối ô nhiễm quanh các khu công nghiệp

Cập nhật 11/07/2007 10:00

Nước thải xanh lè, các dòng kênh tanh tưởi, khói phun đen ngòm... Tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi giật mình về tình trạng ô nhiễm quanh các KCN trên địa bàn TPHCM.

Sáng 10-7, đến KCN Tân Thới Hiệp (quận 12) chúng tôi cứ tưởng mình lạc đường khi hỏi kênh Trần Quang Cơ, nhiều người dân địa phương lắc đầu không biết. Hỏi dò một lúc mới biết con kênh này đã được người dân đổi tên thành “kênh thối” cho đúng “đích danh”...

Ngoại thành đang bị đầu độc

Từ quận 12 chạy về huyện Củ Chi, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến kênh trước đây nước xanh biêng biếc giờ đã đục ngầu, có nơi đen kịt. Lúc rẽ vào bờ kênh Bến Đò 2, chúng tôi đã gặp ngay một một dòng nước thải xanh lè từ ống cống trong KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) vô tư tuôn ra và trộn lẫn vào dòng nước đổ ra kênh An Hạ. Hai thanh niên đang chèo ghe ngang qua bịt mũi, lắc đầu vì dòng nước bốc mùi tanh tưởi. “Trước đây nước ở kênh An Hạ trong xanh, bà con dùng nấu ăn được nhưng bây giờ dơ quá đến cá cũng không sống nổi...” - ông Năm, nhà ở gần khu vực này, ngao ngán. Lúc đến địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, chúng tôi lại càng bất ngờ hơn vì đây là khu vực ngoại thành nhưng nhiều dòng kênh đều đen kịt. Chị Nguyễn Thị Hạnh, bán quán nước trên Tỉnh lộ 10 chỉ tay nhìn dòng nước đen trên kênh Bà Lát, chép miệng: “Từ khi có KCN Lê Minh Xuân những dòng kênh xanh ở đây bị đổi sang màu đen và hôi thối không chịu nổi”.



Nước thải xanh lè từ KCN Tân Phú Trung đổ ra kênh.


Trưa cùng ngày, khi còn cách KCN Bình Chiểu (quận Thủ Đức) cả cây số, chúng tôi đã muốn nín thở vì mùi hôi thối từ kênh Ba Bò bốc lên nồng nặc. Nước kênh Bà Bò đen như mực tàu, nhưng lại sủi đầy bọt trắng chứng tỏ sự hiện diện của hóa chất. Minh chứng là thanh sắt dài ở mái hiên dãy nhà trọ gần đó bị mục nát, gãy khúc nham nhở vì hơi độc của hóa chất bốc lên. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trọ tại đây, bức xúc: “Mưa lớn là nước dơ tràn vào nhà, rác nổi lều bều, vừa ăn cơm vừa phải... bịt mũi.

Nấu món gì bằng thứ nước giếng này cũng bốc mùi hôi”. Vặn thử vòi nước chị dùng để nấu ăn, tôi rùng mình khi nghe mùi thum thủm. Chưa hết, chị Tuyết cho biết mỗi khi tắm xong thì ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Chị Lê Thị Điền trọ phòng kế bên cũng bị nấm da ăn cả hai bàn chân. Cảnh tượng này kéo dài nhiều năm nay khiến người dân ở đây chỉ còn biết thở dài, không chịu thấu. Tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), nước thải cũng đen thui. Anh Đào Văn Thắng, nhà ở khu vực này, cho biết: “Nhà tui cách đây tám chín trăm mét mà khi gió thổi còn thấy hôi. Mỗi khi mưa lớn, nước đen trong kênh tràn vào đồng làm chết lúa, chết cỏ hết...”.

Nước thải xanh lè, các dòng kênh tanh tưởi, khói phun đen ngòm... Tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi giật mình về tình trạng ô nhiễm quanh các KCN trên địa bàn TPHCM.

Nguy cơ ô nhiễm lan rộng

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, KCN Bình Chiểu hiện có 22 cơ sở sản xuất với lượng nước thải khoảng 1.300 m3/ngày đêm nhưng dự án xây hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa được thi công. KCN Tân Thới Hiệp có 25 cơ sở hoạt động với lượng nước thải khoảng 1.200 m3/ngày đêm nhưng nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra KCN tại cửa xả hướng Tây Bắc rồi ra kênh Trần Quang Cơ.



KCN Tân Phú Trung chưa thực hiện giám
sát định kỳ môi trường không khí xung quanh.
 


KCN Vĩnh Lộc có 106 cơ sở với lượng nước thải 3.000 - 4.500 m3/ngày đêm nhưng hệ thống xử lý nước ở đây mới hoàn thành 50%, dự kiến tháng 12-2007 mới đưa vào vận hành. Trong khi đó, KCN Tân Phú Trung chưa xây dựng hệ thống thu tách nước mưa và nước thải. Do đó, khi hệ thống xử lý nước thải được xây dựng xong vào cuối năm 2007 thì nước thải của các cơ sở sản xuất trong KCN chưa thể thu gom tập trung về hệ thống xử lý...

Theo thạc sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, về nguyên lý thoát nước, nguồn nước ở phía Bắc sẽ chảy về phía Nam, do đó nếu các tuyến kênh phía Bắc bị ô nhiễm thì sẽ lan rộng về hướng Nam.

16 công ty xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép

Từ 10 lần trở lên: Công ty TNHH Nobland Việt Nam, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit, Công ty CP Hoàng Quỳnh - Nhà máy Bia Hoàng Quỳnh, Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản (Incomfish).

Từ 5 lần đến dưới 10 lần: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vạn Thành.

Từ 3 đến dưới 5 lần: Công ty CP Bao bì Dầu thực vật.

Từ 2 đến dưới 5 lần: Công ty TNHH Đầu tư XDKD cơ sở hạ tầng KCN Tân Thới Hiệp, Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn - KCN Vĩnh Lộc, Công ty CP bông Bạch Tuyết, Công ty TNHH liên doanh Excel Kind, Công ty TNHH Việt Nam Northern Viking Technologies.

Dưới 2 lần: KCN Lê Minh Xuân, Công ty Liên doanh Nhôm Việt Nhật (chứ không phải từ 10 lần trở lên như Báo NLĐ ngày 10-7-2007 đã đăng), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhất Trí.

Những công ty còn lại như: Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc, Nhà máy Sữa Sài Gòn, Công ty TNHH Ngọc Minh, DNTN Thăng Long sai phạm một số vấn đề về môi trường.

Trung Thanh,Ánh Nguyệt
 Theo Người Lao Động