Top

Xung quanh việc cấp sổ hồng, sổ đỏ: Thực hiện như thế nào để tránh lãng phí?

Cập nhật 05/09/2007 09:00

Từ năm 2006, Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ gia đình, cá nhân. Vì thế, năm nay, Thành phố không giao chỉ tiêu cụ thể mà chỉ đạo các quận, huyện tự rà soát hồ sơ, kể cả các hồ sơ phát sinh và tự lập kế hoạch tổ chức thực hiện.

 Đã cơ bản hoàn thành cấp sổ đỏ


Từ đầu năm đến nay, các quận, huyện đã cấp được hơn 15 nghìn sổ đỏ cho các trường hợp trên. UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở TNMT&NĐ tổng hợp các trường hợp bất khả kháng chưa đủ điều kiện để cấp sổ đỏ theo quy định, tiến hành phân loại để xin ý kiến các bộ, ngành thống nhất quan điểm xử lý, giải quyết.

Với việc cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận đã tạo điều kiện để Nhà nước quản lý đến từng thửa đất, từng chủ sử dụng đất, đáp ứng nguyện vọng của người dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

 Những khó khăn cần tháo gỡ


Lãnh đạo thành phố cho biết, để thực hiện Luật Nhà ở, Hà Nội phải triển khai thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) và sổ đỏ theo NĐ 90/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu quy định này, so sánh với quy định về cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai, thấy một số bất cập. Mặt khác, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai 1993 và 2003, nên việc tổ chức cấp sổ hồng và sổ đỏ theo Luật Nhà ở sẽ không tránh khỏi khó khăn, tốn kém kinh phí, công sức...

Liên quan đến việc cấp "sổ hồng" và "sổ đỏ" theo Luật Nhà ở, UBDN TP cho rằng, do đặc thù nhà ở, đất ở luôn gắn liền với nhau và hiện Thành phố đã tập trung vào một đầu mối quản lý. Đồng thời, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành cấp "sổ đỏ", hiện đang triển khai lập hồ sơ địa chính quản lý ở 3 cấp, do đó, tất các trường hợp đã được cấp "sổ đỏ" trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, thì nên giữ nguyên không cấp đổi; nếu hộ gia đình cá nhân có nhu cầu cấp "sổ hồng" và "sổ đỏ" theo Luật Nhà ở thì được cấp lại và thu hồi "sổ đỏ" đã cấp.

Riêng các trường hợp hiện nay mới làm thủ tục cấp "sổ đỏ" lần đầu, kể cả các trường hợp mua bán, chuyển nhượng, tách, nhập thửa đất thì cấp "sổ hồng" và "sổ đỏ" theo quy định của Luật Nhà ở.

Lãnh đạo UBND TP cũng cho rằng, để tránh lãng phí, tiền của, công sức trong điều kiện Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác cấp "sổ đỏ" thì nên thực hiện cho phép các trường hợp đã được cấp "sổ hồng" và "sổ đỏ" theo NĐ 60/CP và NĐ 61/CP không phải cấp đổi. Nếu hộ nào có nhu cầu thì mới cấp đổi. Các trường hợp đã được cấp "sổ đỏ" theo quy định của Luật Đất đai, nay có nhu cầu cấp "sổ hồng" thì không cấp thêm "sổ hồng" mà được ghi nhận bổ sung quyền sở hữu nhà ở trên "sổ đỏ" tại trang 4 của Giấy chứng nhận. Nội dung về nhà ở ghi theo quy định của Luật Nhà ở. Cũng tương tự như trên, trường hợp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì không cấp thêm mà ghi nhận bổ sung quyền sở hữu công trình xây dựng trên "sổ đỏ" ghi tại trang 4...
 

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tư nhân: Tổng hồ sơ kê khai đến ngày 30/6/2007 là 440.023 hồ sơ, trong đó hơn 27 hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp. Đến hết ngày 30/6, đã cấp được 417.928 sổ đỏ, đạt 99,1% so với tổng số hồ sơ đã kê khai đủ điều kiện cấp sổ đỏ.

Số lượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cấp theo Luật Đất đai 1993 là 55 nghìn Giấy tại khu vực nông thôn, chiếm 13,5% số hồ sơ đủ điều kiện. Số lượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cấp theo Luật Đất đai 2003 là 135.589 Giấy, chiếm 29.6% số hồ sơ đủ điều kiện.


Tổng số căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước được phép bán là 150 nghìn căn hộ, trong đó 15 nghìn căn hộ nhà ở cấp IV của các cơ quan tự quản không còn đầu mối quản lý, hoặc người thuê đã tự phá đi xây dựng mới theo chính sách tài chính quy định tại NĐ 61/CP. Đến hết ngày 30/6/2007, đã bán được 104.400 căn hộ, đạt 70% và cấp được 77.581 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở, đạt 51,1%. Ngoài ra, Thành phố cũng đã cấp 1.410 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ sử dụng đất, đạt 23,8% số hồ sơ cần cấp. 


Theo Kinh Tế & Đô Thị