Tới đây, người được ghi nợ tiền sử dụng đất (khi làm “giấy đỏ”) sẽ phải trả nợ theo giá đất mới tại thời điểm trả nợ. Quy định này của Nghị định 84 (được Chính phủ ban hành ngày 25.5) đang làm nhiều người lo ngại về một thay đổi không hay trong chính sách nhà, đất.
Trước nay, để đẩy nhanh tiến độ cấp “giấy đỏ”, pháp luật cho phép người dân được nợ tiền sử dụng đất. Theo quy định cũ, cơ quan thẩm quyền sẽ ghi rõ trên “giấy đỏ” số nợ - tính theo giá đất lúc cấp giấy - để sau này, khi có khả năng trả nợ, người dân căn cứ vào đó mà trả. Tức 5,10 năm sau gì đó, nếu giá đất có tăng cao thì người được ghi nợ cũng không có gì phải lo lắng. Giờ thì Nghị định 84 yêu cầu người dân phải trả nợ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Nghĩa là vào 5, 10 năm sau, người được ghi nợ phải trả nợ theo giá đất rất cao (có thể là gấp nhiều lần). Tất nhiên, theo nguyên tắc bất hồi tố, ràng buộc này không áp dụng cho những trường hợp đã được ghi nợ trước ngày Nghị định 84 có hiệu lực thi hành. Sự thay đổi trên e sẽ làm chùn chân những người muốn đi xin “giấy đỏ” và muốn được ghi nợ tiền sử dụng đất. Vì được trả nợ theo giá đất cũ mà nhiều người vẫn còn ngần ngại với thủ tục hành chính nhiêu khê nên còn dùng dằng chưa đi làm “giấy đỏ”, huống hồ phải trả nợ theo giá đất mới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khải, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) rất dứt khoát: “Nếu lo ngại phải trả nợ theo giá đất cao thì tốt nhất nên nộp tiền ngay khi xin cấp giấy. Nhà nước đã cho ghi nợ mà người dân còn muốn nộp tiền theo giá đất tại thời điểm cấp giấy thì thật vô lý. Cũng nên “một vừa hai phải” chứ!”. Cũng theo Nghị định 84, Bộ Tài chính và Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục ghi nợ và thanh toán nợ tiền sử dụng đất. Chưa rõ các bộ sẽ hướng dẫn thế nào nhưng ý kiến nêu trên của vụ trưởng Khải khiến nhiều người đoan chắc tình hình sẽ diễn biến theo hướng người dân sẽ càng trùng trình không làm “sổ đỏ” để né nợ, đợi khi có khả năng sẽ làm luôn thể. Xét thêm về mặt pháp lý, việc cho ghi nợ như thế chẳng qua là hình thức của hợp đồng « cho vay tài sản” giữa Nhà nước với người xin ghi nợ. Theo Điều 474 Bộ luật Dân sự, ngoài số nợ gốc, bên nợ tiền chỉ phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả, theo lãi suất do Ngân hàng nhà nước công bố. Như vậy, khi cho dân ghi nợ thì nhất định Nhà nước phải xác định rõ khoản nợ để người dân biết mà cân nhắc. Chắc chắn, việc trả nợ Nhà nước phải theo đúng nguyên tắc trên của Bộ luật Dân sự chứ sao Chính phủ lại làm khác?
Theo Hiệp Tiến - SGTT