Top

Kỳ họp lần thứ hai, Quốc hội khóa XII: Thống nhất gộp sổ đỏ, sổ hồng làm một

Cập nhật 07/11/2007 09:00

Tôi rất mừng khi Chính phủ lần này tuyên bố trước Quốc hội là thống nhất một sổ; Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII và Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH khóa XI đều đã thống nhất một sổ và Luật Đất đai cũng xác định một sổ. Bản chất của việc cấp một giấy phải dựa trên quan điểm đất là sở hữu của toàn dân, nghĩa là tôi giao đất thì đương nhiên tôi phải giao toàn quyền sử dụng cho anh. Còn nhà là sở hữu của cá nhân, tôi không thể xác nhận nhà thay anh được - Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Quốc hội)

Ngày 6-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên báo cáo với Quốc hội (QH) về việc chấp hành pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã thừa nhận: Việc cấp giấy chứng nhận chậm có nguyên nhân quan trọng là một thời gian dài đất đai bị buông lỏng quản lý; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trong sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân khá phổ biến với số lượng lớn.

Liên tục lùi thời hạn hoàn thành việc cấp sổ đỏ

Hàng loạt những tồn tại trong việc cấp sổ đỏ đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền thay mặt cơ quan thẩm tra chỉ rõ. Theo kế hoạch ban đầu của Chính phủ, hết năm 2005 đã hoàn thành việc cấp sổ đỏ. Tiếp đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai, trong đó chỉ đạo các địa phương cơ bản hoàn thành việc cấp sổ đỏ trong năm 2006. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10 – 2007, vẫn còn tới 27 địa phương cấp sổ đỏ đạt dưới 70% diện tích.

Thời gian giải quyết hồ sơ một số nơi còn chậm, có nơi thời gian cấp kéo dài 4 - 5 tháng mặc dù theo quy định thời hạn từ khi nhận hồ sơ hợp lệ đến khi làm xong nghĩa vụ tài chính, tối đa không quá 55 ngày.

Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TPHCM) phân tích, sự chậm trễ, khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận ở đô thị lại càng khó khăn gấp bội. Như TPHCM, đến tháng 9-2007 mới hoàn thành 46,8% kế hoạch mặc dù tháng nào TP cũng họp và đặt chỉ tiêu nhưng đều chậm tiến độ. Theo ông Lịch, vấn đề đau đầu tại các đô thị là thiếu quy hoạch chi tiết; nhiều nơi nhà, công trình xây dựng có trước quy hoạch; rồi khắp nơi xảy ra tình trạng quy hoạch treo... Việc này gây ra tình trạng cơ quan quy hoạch cản trở việc cấp giấy chứng nhận và ngược lại.

“Đề nghị QH ra nghị quyết hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2008” - Chủ nhiệm Hiền tỏ ra kiên quyết. “Việc này phải đặt thành chương trình với mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2010” - Bộ trưởng Nguyên thận trọng hơn.

Xin lỗi, Đà Nẵng sáng chế ra “giấy trắng”

Đại diện cho cử tri ở TP thuộc diện đầu bảng về tồn đọng “sổ đỏ”, bà Đặng Huyền Thái (Hà Nội) bức xúc, đến nay TP còn hơn 65.000 trường hợp người dân chưa đến nhận sổ đỏ. 27.300 trường hợp đã kê khai đăng ký xin cấp giấy chứng nhận nhưng chưa đủ điều kiện.
 
Bà Thái phân tích nguyên nhân: Người được cấp sổ đỏ năm 2005 và 2006 phải nộp lệ phí trước bạ đất theo giá đất mới cao hơn từ 8 - 15 lần giá đất năm 2004. Do đó, nhiều hộ gia đình, đặc biệt các hộ ngoại thành chưa đủ khả năng nộp lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất để nhận sổ đỏ”.

Bà Thái đưa ra giải pháp: “Mục tiêu cấp sổ đỏ là quản lý đất đai, không nên thu nhiều tiền của người sử dụng đất khi làm giấy chứng nhận lần đầu, nghiên cứu giảm hoặc bỏ các khoản phí, lệ phí liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho phù hợp với thực tế”. Đây cũng là đề xuất của Ủy ban Kinh tế của QH.

“Đà Nẵng không có tồn đọng (sổ đỏ). Anh đủ điều kiện thì tôi cấp, anh chưa đủ điều kiện thì cũng hơi “sáng chế” ra một tí. Xin lỗi QH, xin lỗi Chính phủ là Đà Nẵng sáng chế ra “giấy trắng”, tức là giấy cấp tạm thời - cấp cho anh giấy chứng nhận tạm thời để quản lý về đất đai. Khi nào người dân đủ tiền, làm đủ nghĩa vụ thì mang giấy trắng đi đổi sổ đỏ” – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trình bày sáng kiến của địa phương mình. Theo ông, khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì không giao sổ đỏ.

Giảm phiền hà cho người sử dụng đất

ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) liệt kê: Hiện đang tồn tại 4 loại giấy chứng nhận bất động sản, gồm: “sổ đỏ” cấp theo Luật Đất đai năm 1993, sổ đỏ cũ cấp trước 1 - 7 - 2004; “sổ đỏ” cấp theo Luật Đất đai năm 2003, sổ đỏ mới cấp từ 1 - 7 - 2004 trở về sau; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, cấp theo Nghị định 60, sổ hồng cũ; sổ hồng mới cấp theo Luật Nhà ở. Ngoài ra, chưa kể các loại giấy khác được coi là hợp lệ.

Gộp “sổ đỏ”, “sổ hồng” làm một, thống nhất quy trình thực hiện việc đăng ký đất đai, tài sản hình thành từ sử dụng đất trên nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý đăng ký, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất là điều được các ĐBQH thống nhất 100% với đề xuất của Chính phủ.

Theo Người Lao Động