Dự án cải tạo chung cư cũ B4-B14 Kim Liên (Hà Nội) khởi công rầm rộ nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ vì một số hộ dân không chịu di dời khi chưa đạt được thỏa thuận về nhà tái định cư với chủ đầu tư.
Tình trạng này không chỉ diễn ra với khu Kim Liên.
Hà Nội đã rục rịch chuẩn bị cho các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ từ cuối những năm 1990 nhưng các dự án không có tiến triển do doanh nghiệp vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tạm cư cho các hộ phải di dời...
Năm 2006, dự án cải tạo nhà B4, B14 Kim Liên và nhà I1-I3 Thành Công 2 được chính thức giao cho Tổng công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng. Đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 34 về cải tạo chung cư cũ, giải quyết hầu hết vướng mắc các doanh nghiệp gặp phải.
Theo đó, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch như mật độ dân số, hệ số sử dụng đất, chiều cao tầng với các dự án, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cân đối tài chính. Chủ đầu tư cũng được miễn thuế và toàn bộ tiền thuê đất, diện tích đất được giao, và được vay tối đa 70% giá trị xây lắp. Tuy nhiên, đến lúc này, vướng mắc lại đến từ việc thuyết phục các hộ dân di dời và việc phân bổ nhà tái định cư.
Mỗi hộ một yêu cầu
Gia đình bà Lan sống tại khu B4 Kim Liên từ năm 1961, ngay sau khi khu nhà được phân cho các hộ công nhân viên ngành đường sắt. Bà Lan ủng hộ việc xây dựng chung cư mới, song tỏ ra lo lắng về việc phải đóng thêm hàng trăm triệu đồng cho diện tích dôi dư của căn hộ mới. "Gia đình tôi là viên chức về hưu, nếu phải bỏ ra hàng trăm triệu cho diện tích dôi dư thì quá sức", bà Lan phân trần.
Trong khi đó, theo ông Trần Đức Minh, một trong 15 hộ gia đình bám trụ tại tầng một và không cho phép đơn vị thi công vào nhà đo đạc diện tích để tính phương án tái định cư và đền bù, người dân tại tầng một phải được tái định cư tại đúng tầng này và được mua theo giá kinh doanh một căn hộ khác tại tầng 5.
Cũng bám trụ lại tầng 2 của nhà B4, gia đình bà Thanh yêu cầu chủ đầu tư cho gia đình mình đăng ký nhiều hơn một căn hộ do gia đình bà đã tách thành 3 hộ từ khi các con bà lập gia đình. "Gia đình tôi hiện đã có 3 hộ với 13 nhân khẩu nên không thể ở trong một căn nữa, mà cần được bố trí thêm căn hộ", bà Thanh nói. Vì lý do này, bà Thanh không chịu rời khỏi khu nhà.
Tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân về việc cải tạo các khu chung cư cũ, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu cũng thừa nhận, hiện vướng mắc lớn nhất là thuyết phục các hộ dân chấp nhận phương án tái định cư và di dời khỏi các khu nhà nguy hiểm.
Tại khu nhà gỗ thuộc Văn Chương, 240 trong tổng số 273 hộ gia đình đã di chuyển, song còn 33 hộ không chịu rời về khu tạm cư. Tương tự, tại khu Nguyễn Công Trứ, 140 hộ đã chuyển, song các hộ tầng một không di dời. Đồng thời, các hộ tự cơi nới cũng đòi được tái định cư hoặc được bồi thường, trong khi theo Nghị quyết 34, các hộ này chỉ được hỗ trợ 10% giá trị nhà và được mua nhà tại khu mới xây theo giá kinh doanh.
Tại khu Thành Công 2 trên đường Thái Hà, vướng mắc lặp lại như với khu Kim Liên. Trong khi cư dân tại nhà I3 đã đồng ý di dời vì khu vực này thường xuyên ngập nước, nhà cửa xuống cấp thì người dân nhà I1 vẫn bám trụ do vị trí này buôn bán thuận lợi. Thậm chí, một số gia đình đã đồng ý di dời vẫn "nghe ngóng", để nếu các gia đình bám trụ được lợi hơn thì họ cũng sẽ ở lại.
Các bên đều muốn được hỗ trợ
Theo ông Lê Vũ Dũng, Giám đốc Tổng Công ty Sông Hồng, chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư B4-B14 Kim Liên và nhà I1-I3 Thành Công 2, Nghị quyết 34 ra đời kịp thời, tháo gỡ nhiều khó khăn cho các bên khi thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, với mỗi tỉnh thành, đặc thù lại khác nhau nên Hà Nội cần sớm có hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện các dự án. "Hiện chúng tôi vẫn phải đến từng gia đình để vận động, nhưng có hộ chính các thành viên mỗi người một ý, thậm chí quay sang tranh cãi với nhau về điều kiện di dời trong khi gặp với chúng tôi nên công việc vẫn ngưng trệ", ông Dũng cho hay.
Một số lãnh đạo Hà Nội đã đề xuất, nếu tỷ lệ người dân đồng thuận đạt 70% trở lên thì chủ đầu tư được phép cưỡng chế các hộ dân không hợp tác di dời. Song đến nay UBND TP chưa có quyết định cuối cùng về việc này. Dự kiến đến tháng 8, Hà Nội sẽ ban hành chính sách cụ thể về việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Hồng Củng, Tổ trưởng dân phố nhà B4, Kim Liên, đa phần người dân tại đây đã đồng thuận với việc di dời và nhiều gia đình đã chuyển đến khu nhà tạm cư, chỉ còn lại một số ít hộ muốn yêu cầu thêm quyền lợi, thậm chí có những yêu cầu vô lý, mới bám trụ.
Theo thỏa thuận của Tổng Công ty Sông Hồng, diện tích trong "sổ đỏ" của các hộ sẽ được nhân với hệ số 1,2 và quy đổi sang diện tích tại khu nhà mới. Phần diện tích dôi dư nếu nhỏ hơn 45 m2 sẽ được áp dụng theo giá ưu đãi của thành phố (4,8-5,7 triệu đồng/m2), và diện tích trên 45 m2 áp dụng giá kinh doanh (8-9 triệu đồng/m2). Hiện một số gia đình tại khu Kim Liên đang đề nghị chủ đầu tư áp dụng mức giá ưu đãi cho toàn bộ diện tích dôi dư.
Theo ông Củng, nhiều gia đình tại đây là các hộ về hưu, tài chính khó khăn nên cần được hỗ trợ thêm để thanh toán diện tích dôi dư khi nhà mới hoàn thành. "Chủ đầu tư và thành phố nên hỗ trợ các hộ dân này, như giảm giá diện tích dôi dư đến mức có thể để họ yên tâm chuyển sang nhà tạm cư", ông Củng nói.
Hiện Hà Nội có 3 dự án thí điểm cải tạo chung cư cũ từ nay đến 2010, gồm khu B Kim Liên, tổng vốn khoảng 1.700 tỷ đồng, khu Nguyễn Công Trứ 2.000 tỷ đồng và khu Văn Chương 1.300 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2010-2020, Hà Nội sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cải tạo thêm 23 khu chung cư với khoảng 460 tòa nhà cũ trên toàn thành phố.
Theo Ngọc Châu - Đô Thị