Top

Liên tiếp các vụ kiện tụng tố chủ đầu tư ăn gian diện tích

Cập nhật 28/10/2013 16:13

Các khách hàng mua nhà tại khu căn hộ Keangnam, dự án Đại Thanh, chung cư Lê Văn Lương Residentals liên tiếp tố cáo chủ đầu tư ăn gian diện tích gây thiệt hại cho khách hàng.

Nhiều dự án bị tố ăn gian diện tích căn hộ

Nhiều hộ dân mua nhà tại khu căn hộ Keangnam hốt hoảng vì sau khi mua nhà đột nhiên phát hiện căn hộ của mình thiếu hàng chục m2 so với cách tính chuẩn của Bộ Xây dựng. Tại dự án Đại Thanh, người dân cũng tá hỏa về chuyện thiếu diện tích căn hộ...


Nhiều khách hàng tại dự án khu căn hộ Keangnam đã tiến hành khởi kiện chủ đầu tư ra tòa bởi cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư.

Kết quả giám định diện tích sử dụng của cơ quan chức năng đã xác định, căn hộ B606 có diện tích thuộc sở hữu chung theo quy định lên tới 20,99m2 (gồm diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, tường chung) và diện tích thuộc sở hữu riêng theo quy định tại Luật Nhà ở là 176,66m2. Trong khi đó diện tích mà bà Bùi Thị Bảo Quyên (một trong 7 khách hàng mua nhà của Cty TNHH Keangnam Vina tiến hành khởi kiện chủ đầu tư) phải trả tiền mua theo hợp đồng là 206,95m2, dẫn tới thiếu 30,21m2 so với hợp đồng.

Cuối tuần qua hàng chục hộ dân mua nhà tại dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) đã tập trung trước trụ sở doanh nghiệp này để phản đối sau khi phát hiện căn hộ của mình bị thiếu hụt diện tích so với diện tích ghi trong hợp đồng.

Cụ thể, chủ đầu tư đã cắt bớt hoặc ghi khá chung chung những nội dung hết sức quan trọng về sở hữu chung, riêng, không công khai “các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản”.

Theo phản ánh của khách hàng, khi mua khách hàng không hề được tiếp cận với hồ sơ pháp lý, hồ sơ quy hoạch, bản vẽ mặt bằng của cả tầng có căn hộ. Khách hàng chỉ đến xem căn hộ mẫu, mà căn hộ mẫu thì không hề có cột, có hộp kỹ thuật.

Như bản vẽ căn hộ Keangnam cung cấp cho khách hàng trong hợp đồng là bản vẽ nhỏ bằng nửa bàn tay, thiếu ghi chú kích thước, tỷ lệ của cột, hộp kỹ thuật.

Đối với những hợp đồng bán căn hộ ký từ năm 2008 cho đến tháng 3/2009, chủ đầu tư đã tính diện tích căn hộ để bán cho khách hàng theo phương pháp đo phủ bì.

Với phương pháp phủ bì này, cứ một bức tường phân chia giữa 2 căn hộ liền kề thì chủ đầu tư đã tính tiền 2 lần cho 2 căn hộ cạnh nhau.

Tranh chấp Chung cư Dương Nội khó giải quyết vì... luật

Nhiều khách hàng đã khiếu nại chủ đầu tư về cách tính diện tích căn hộ tại Dự án Chung cư Lê Văn Lương Residentals, thuộc Khu đô thị Dương Nội (Hà Nội).

Theo phản ánh của khách hàng, cách tính diện tích căn hộ từ tim tường như trong hợp đồng, bao gồm cả cột và hộp kỹ thuật là không phù hợp, gây thiệt hại cho khách hàng. Chủ đầu tư cần phải khấu trừ diện tích này khỏi phần diện tích căn hộ khách hàng đã mua.


Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Thăng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Nam Cường khẳng định, cách tính diện tích của chủ đầu tư là phù hợp với các quy định tại Điều 21, Thông tư số 16/2010/-TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ về cách tính diện tích căn hộ. Theo đó, có hai phương thức tính diện tích căn hộ: một là tính từ tim tường bao; hai là tính diện tích thông thủy.

Nam Cường đã áp dụng cách tính diện tích từ tim tường từ khi ký hợp đồng nên chủ đầu tư sẽ áp dụng xuyên suốt cách tính này và đảm bảo tính đủ diện tích cho khách hàng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ sau này.

Ông Thăng cho biết, tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, các khách hàng đều được phát kèm một bản vẽ sơ đồ căn hộ, với ghi chú rõ ràng phần cột, hộp kỹ thuật nằm trong diện tích căn hộ và cách tính diện tích từ tim tường. Khi đó, các khách hàng đều không có ai phản đối.

Với các khiếu nại của khách hàng về cách tính diện tích căn hộ, chủ đầu tư đã giải thích, nhưng nhiều khách hàng vẫn thấy thiệt thòi nên tiếp tục khiếu nại.

Được nộp tiền để 'chuộc' công trình xây không phép

'Công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng bảo đảm một số điều kiện thì được nộp tiền từ 40-50% giá trị phần vi phạm để được tồn tại và điều chỉnh giấy phép xây dựng'

Đó là quy định tại nghị định 121 mà Chính phủ vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 30-11-2013) để thay thế nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý phát triển nhà và công sở...


Điểm mới đáng chú ý được quy định tại nghị định 121 là công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng bảo đảm một số điều kiện thì được nộp tiền từ 40-50% giá trị phần vi phạm để được tồn tại và điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Trước đây, chung cư trên đảo Kim Cương, Q.2 (TP.HCM) được cho tồn tại phần xây sai phép nhưng chủ đầu tư không tốn đồng nào. Theo quy định mới, chủ đầu tư phải nộp tiền mới được giữ lại phần xây sai phép

Công trình từ 2.500m2 bắt buộc sử dụng năng lượng hiệu quả

Tại cuộc họp giới thiệu nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD, đánh giá về hiệu quả quy chuẩn QCXDVN 09:2005, ông Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ khoa học – Công nhệ và Môi trường Bộ Xây dựng cho biết, các quy chuẩn trước đây còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tận, có nhiều điểm còn chưa phù hợp với thực tế xây dựng. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác thì năng lực của nhiều sở xây dựng địa phương còn thiếu kinh nghiệm. Năng lực các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế.


Ngày 26/9/2013, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký Thông tư số 15/2013/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Quy chuẩn mang ký hiệu, QCVN 09:2013/BXD.

Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” này quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500m² trở lên.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet