Top

Cổ phiếu BĐS: Lên, xuống thất thường

Cập nhật 01/10/2008 11:00

Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) vẫn im lìm suốt gần 1 năm nay, thì cổ phiếu ngành BĐS lại vừa trải qua một cơn “địa chấn” với những đợt lên, xuống đầy thất thường.

Đã có không ít nhà đầu tư nghĩ rằng, thị trường BĐS “đóng băng” thì cổ phiếu ngành này đương nhiên khó có thể bật lên được, nên quyết định bán đi những cổ phiếu BĐS đang nắm giữ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều người đã phải ngã ngửa trước những đợt tăng giá đầy bất ngờ của phần lớn cổ phiếu BĐS, thậm chí có loại cổ phiếu BĐS đã tăng đến gấp 2 lần trong một thời gian ngắn. Rồi lại bất ngờ không kém khi chỉ sau đó ít phiên, nhiều cổ phiếu BĐS lại sụt giảm thê thảm tới 30 - 40%.

Chẳng hạn, đợt đi lên của thị trường trong tháng 8 vừa qua đã khiến cho nhiều cổ phiếu BĐS tăng mạnh, ví dụ cổ phiếu SJS của Công ty Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà đã tăng 71,2%, SC5 của Công ty Xây dựng số 5 tăng 70,9%, NTL của Công ty Phát triển Đô thị Từ Liêm có mức tăng hơn 100%, HDC của Công ty Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 42%, TDH của Công ty Nhà Thủ Đức tăng 33%; UIC của Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị IDICO tăng 59%...

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đợt tăng điểm của cổ phiếu BĐS thời điểm trước do có những cổ phiếu tăng theo xu hướng của cổ phiếu có quy mô nhỏ.

Ngoài ra, một số cổ phiếu tăng giá là do có sự hỗ trợ của thông tin tốt như SJS đã từng có thời điểm tăng kịch trần trong nhiều phiên do bán được diện tích 5 ha đất cho một dự án của Singapore, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi leo dốc một đoạn thì cổ phiếu nhóm BĐS lại “xì hơi” và quay về mặt bằng giá như thời điểm chưa tăng giá. Chẳng hạn, cổ phiếu TDH đã rơi giá một mạch từ 70.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn có 42.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng nửa tháng.

Tương tự, cổ phiếu SJS đã giảm từ gần 140.000 đồng/cổ phiếu xuống mức chưa đầy 100.000 đồng/cổ phiếu, SC5 rớt giá từ 57.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 34.000 đồng/cổ phiếu, HDC cũng rớt từ đỉnh cao 50.000 đồng/cổ phiếu xuống đến chỉ còn 32.200 đồng/cổ phiếu... Hầu hết mức giảm giá của các cổ phiếu BĐS đều mạnh hơn so với mức giảm giá chung của thị trường.

Theo bà Cao Thị Hồng, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế, trong thời gian qua, cổ phiếu BĐS đã chịu tác động không tốt từ thị trường BĐS, song khi nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất, thì nhóm cổ phiếu ngành này cũng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới do nhóm cổ phiếu BĐS thời gian qua đã giảm rất nhiều.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc các cổ phiếu BĐS hồi phục mạnh trở lại trong tháng 8/2008, ngoài việc tăng theo đà tăng của thị trường, còn do đà sụt giảm của thị trường BĐS đã dấu hiệu chững lại, giá nhà đất ở một số nơi thậm chí tăng nhẹ, giao dịch phần nào đã nhộn nhịp hơn.

Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 9/2008, diễn biến trên thị trường BĐS đã không diễn ra theo xu hướng lạc quan như nhiều người đã từng kỳ vọng trước đó, thị trường BĐS tại Hà Nội và TP.HCM lại tiếp tục rơi vào trầm lắng và đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến cho nhiều cổ phiếu BĐS lại bị các nhà đầu tư quay lưng.

www.DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư