Thêm một dự án thép với tổng vốn và qui mô lớn nhất từ trước tới nay đã chính thức nhận được giấy phép đầu tư ngày 19/9/2008.
Đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho ngành thép hay không, khi thời gian vừa qua có quá nhiều dự án đầu tư vào ngành này?
Dự án thép thứ 6
Liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tập đoàn Lion Diversiffied Holding Behard (Malaysia) đã chính thức được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Liên hợp thép Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến năm 2010 đạt 10 đến 11 triệu tấn và năm 2025 khoảng 24 đến 25 triệu tấn.
Với quy hoạch này, trong khoảng 10 năm nữa Việt Nam chỉ cần xây dựng 1 hoặc 2 liên hợp luyện thép là thích hợp.
Nhưng trên thực tế, Chính phủ đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho 5 dự án, gồm: dự án Guang Lian Steel Việt Nam 100% vốn nước ngoài tại khu kinh tế Dung Quất; dự án nhà máy thép cán nóng liên doanh Tập đoàn Essar (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép, Tổng công ty Cao su Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án Liên hợp thép của Tập đoàn Formosa (100% vốn Đài Loan) tại Hà Tĩnh.
Dự án mới này được đầu tư tại khu vực Cà Ná, huyện Ninh Phước với tổng diện tích là 1.650 ha mặt đất và 330 ha mặt biển. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đầu tư.
Với mục tiêu là xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội; cơ sở hạ tầng phụ trợ bao gồm nhà máy điện và cảng biển phục vụ nhu cầu nội bộ của khu liên hợp thép; tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động.
Theo thiết kế, dự án được chia làm 4 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2025, có công suất là 14,42 triệu tấn thép thô/năm, với các sản phẩm chính gồm thép cuộn cán nguội, cán nóng, thép tấm, thép mạ.
Trong đó, giai đoạn 1 (2008-2010), dự án sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy thép có công xuất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm; hai nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 1.450MW; cảng biển có công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm.
Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý 1/2009 và hoàn thành đưa vào hoạt động các hạng mục của giai đoạn 1 vào năm 2010.
Ông Lê Lộc, giám đốc đầu tư của Vinashin nói, ngành công nghiệp tàu thủy và ngành công nghiệp của Việt Nam nhìn chung đang có nhu cầu sử dụng thép rất lớn. Riêng với Vinashin để chế tạo những con tàu lớn hàng chục nghìn tấn thì nhu cầu sử dụng thép càng cao hơn.
Hơn nữa, để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa lên khoảng 60-70% vào năm 2015, thì dự án này chính là điều kiện để thực hiện mục tiêu đó.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy không chỉ cung cấp cho Vinashin mà còn cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Năm nay thép “được mùa”
Theo ước tính của Hiệp hội Thép, với 4 dự án của Tổng công ty Thép, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Tata (4,5 triệu tấn); Dự án của Tập đoàn Formosa (7,5 triệu tấn); dự án của Tổng công ty Thép; Tổng công ty Cao su và Essar (2 triệu tấn); dự án Posco (3 triệu tấn) thì đến năm 2015, sản xuất thép đạt công suất trên 15 triệu tấn, chưa kể công suất thép cả nước hiện tại là 6 triệu tấn.
Trong khi đó, hiện tại Chính phủ đã cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án thép và tổng công suất của các dự án thép này có thể lên đến 40 triệu tấn/năm.
Nhiều người lo ngại về tính khả thi của dự án thép gần 10 tỷ USD này, khi cả hai đối tác đều không phải những nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép.
Có thông tin cho rằng, đây là một tập đoàn đa ngành của Malaysia, vốn chưa có kinh nghiệm “dạn dày” trong ngành thép. Hơn nữa, Maju, công ty con của tập đoàn này chỉ mới thành lập vào giữa năm 2007, còn phía Tập đoàn Vinashin xưa nay chủ yếu thực thi nhiệm vụ đóng tàu.
Tất nhiên, hiệu quả của những dự án này không thể đánh giá trên bản báo cáo khả thi được, mà phải dựa vào kết quả hiện thực của dự án. Điều này cần nhiều thời gian để minh chứng, còn trước mắt người ta chỉ nhận ra một điều rằng ngành thép đang quá “bội thực”.
www.DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy