Hiện nay, nhóm CP thuộc ngành BĐS dường như đang bị "bỏ quên" bởi diễn biến thị trường BĐS chưa có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh đó, do kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, khiến CP thuộc nhóm ngành này không thu hút được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, trong đợt tăng trưởng chung của thị trường vừa qua, lợi nhuận từ những CP thuộc nhóm BĐS này đã khiến nhiều người bất ngờ, khi có CP tăng trưởng mạnh tới 105% chỉ trong vòng một tháng.
Mức tăng trưởng ấn tượng
Sự điều chỉnh của thị trường vài phiên gần đây khiến tăng trưởng của hầu hết các CP bị chững lại, trong đó có các CP thuộc nhóm ngành BĐS. Tuy nhiên, nếu lấy mốc là thời điểm phiên giao dịch đầu tháng 8, và tính đến trước khi VN-Index điều chỉnh thì sự tăng trưởng của nhóm CP thuộc ngành BĐS đã đạt mức trung bình trên 50%.
Đây được coi là một mức tăng trưởng khá ấn tượng, bởi tâm lý NĐT hiện vẫn coi BĐS là ngành kinh doanh đang chịu hậu quả từ hoạt động cho vay cầm cố và thế chấp sau một thời gian tăng nóng. Theo đó, trong đợt tăng trưởng vừa qua, CP HDC của CTCP phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 42% so với mức đầu tháng 8; TDH của CTCP phát triển nhà Thủ Đức tăng 33%; UIC của CTCP đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO tăng 59%.
Mức tăng ấn tượng phải kể tới SJS của CTCP đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà, với mức tăng 71,2%, CTCP xây dựng số 5 (SC5) tăng 70,9% và đặc biệt là CP NTL của CTCP phát triển đô thị Từ Liêm với mức tăng 105,5% so với mức đầu tháng 8.
Giải thích cho mức tăng trưởng này, ông Hoàng Thạch Lân - GĐ khối phân tích CTCK doanh nghiệp nhỏ và vừa VN (SMES) - cho rằng, sự tăng trưởng của những CP thuộc nhóm ngành BĐS thời gian qua có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là do xu thế chung của thị trường thời gian qua đã có những đợt tăng rất lạc quan, kéo theo những CP thuộc nhóm này như ITA, NTL.
Bên cạnh đó, còn có những CP tăng theo xu hướng của những CP có quy mô nhỏ như UIC. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau đợt tăng giá của các blue-chips và những CP hạng trung trong thời gian từ tháng 6 tới trung tuần tháng 8 vừa qua, những CP thuộc nhóm mini-stocks này đã trở thành tâm điểm của thị trường thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua.
Ngoài ra, sự tăng giá của một số CP thuộc nhóm BĐS là do có những thông tin tốt hỗ trợ mà điển hình là CP SJS.
Theo thông tin bà Cao Thị Hồng - Phó GĐ CTCK quốc tế VN (VIS) - thông tin tốt khiến mã này tăng trần trong nhiều phiên sau đó là do Cty này đã bán được diện tích 5ha đất cho một dự án của Singapore, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 700 tỉ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 11.9, SJS cũng là một trong số 8 CP ít ỏi trên sàn giữ được mức giá trên tham chiếu.
Kỳ vọng CP BĐS
Phân tích tài chính các DN thuộc nhóm ngành BĐS này, theo ông Hoàng Thạch Lân, lợi nhuận của những DN này hiện vẫn là từ những công trình cũ, trong khi đó các công trình mới cần nguồn vốn trung và dài hạn, buộc phải vay NH trong hoàn cảnh tín dụng khắt khe với mức lãi suất cao mà vẫn rất khó. "Có thể đến cuối năm, một số DN thuộc ngành này sẽ không đạt kế hoạch" - ông Lân nói.
Tuy nhiên, trong tâm lý NĐT VN, BĐS mất giá chỉ là tạm thời và khi TTCK đi lên thì BĐS cũng sẽ phục hồi theo. Đánh giá chung về nhóm CP BĐS, bà Hồng cho rằng, CP BĐS thời gian qua đã chịu tác động không tốt từ thị trường BĐS. Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng, khi nền kinh tế đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất thì nhóm CP ngành BĐS cũng sẽ tăng trưởng trở lại trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn có căn cứ, bởi theo so sánh của bà Hồng, nhóm CP BĐS thời gian qua đã giảm rất nhiều.
"Nếu chọn SJS là CP điển hình của nhóm ngành này thì giá của SJS ở thời điểm VN-Index 744,92 điểm ngày 20.2 là 214.000 đồng/CP. Tới nay, khi VN-Index đã hồi phục lên ngưỡng 500 điểm, trong khi đó giá CP này đóng cửa phiên giao dịch ngày 11.9 ở mức 115.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nếu so sánh với một CP trong cùng nhóm blue-chips là DPM, CP này đã phục hồi trên 110% so với thời điểm VN-Index ở mức 720 điểm, trong khi đó mức phục hồi của SJS mới chỉ là 50%. "Do đó, CP này vẫn còn khả năng tăng giá" - bà Hồng nhận định.
Một tín hiệu khác được bà Hồng đưa ra từ thị trường BĐS là những lo ngại về cuộc khủng hoảng thế chấp trong lĩnh vực này khó có thể xảy ra, bởi sự phục hồi của TTCK (cùng với những nguồn thu khác) giúp những người đầu cơ BĐS thoát khỏi cảnh xiết nợ.
Bên cạnh đó, do đã giảm rất mạnh nên thời gian vừa qua, giao dịch BĐS giá rẻ tăng lên đáng kể. Do đó, dấu hiệu tan băng trên thị trường này đã bắt đầu xuất hiện. Đây là một yếu tố quan trọng khiến nợ xấu của các NH được cải thiện (theo con số được chuyên gia này đưa ra, trong tháng 7 có tới 20/34 NHCP có kết quả kinh doanh lỗ. Tuy nhiên tới tháng 8, kết quả kinh doanh của những NH này đã được cải thiện). "Chính vì thế, tôi cho rằng thời điểm này đang là đáy của thị trường BĐS nếu TTCK vẫn giữ được mức như hiện nay". Bà Hồng cũng nhận định rằng, VN-Index sẽ về đích cuối năm với mức 600 điểm.
Theo Lao Động