Top

Cổ phiếu nhà, đất tăng chóng mặt

Cập nhật 07/09/2008 01:00

Chỉ trong vòng một tháng, giá cổ phiếu ngành bất động sản tăng 40%-50%. Cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản tăng 10%-15% là hợp lý.

Dù thị trường bất động sản vẫn còn đìu hiu và chưa có dấu hiệu ấm trở lại nhưng cổ phiếu các công ty hoạt động trong lĩnh vực này lại tăng đến chóng mặt.

Đồng loạt tăng giá

Lấy mốc thời gian từ ngày 2-7 đến ngày 4-9, trong vòng hai tháng kênh chứng khoán khởi sắc thì giá cổ phiếu ngành xây dựng, nhà đất đã tăng nóng từ 40% đến 50%.

Rõ nhất là những công ty đầu tư kinh doanh lĩnh vực bất động sản đang niêm yết trên sàn. Chẳng hạn như cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức giá từ 57.000 đồng đã vọt lên 68.000 đồng; Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu giá cổ phiếu từ 26.300 đồng tăng lên 47.000 đồng...

Không chỉ bó hẹp trong phân khúc xây dựng, đầu tư hạ tầng mà cổ phiếu của các công ty có nhiều dự án cao ốc thương mại, văn phòng cho thuê giá cũng nhảy “lăm-ba-đa”. Như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Hội - đơn vị có nhiều cao ốc, văn phòng cho thuê đang triển khai giá cổ phiếu đội từ 11.200 đồng lên 18.900 đồng.

Nếu cổ phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản niêm yết trên sàn tăng gần 50% thì cổ phiếu OTC của ngành này cũng hấp dẫn nhà đầu tư. Đơn cử cổ phiếu của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương tín đang từ mức 19.000 đồng đã tăng lên gần 27.000 đồng, hay cổ phiếu của Công ty Đầu tư SCID - công ty chuyên xây dựng siêu thị cho hệ thống bán lẻ Co.op Mart cũng tăng từ 30.000 đồng lên gần 60.000 đồng.

Ghi nhận từ những biểu đồ phân tích kỹ thuật do các công ty ty chứng khoán công bố thì hiện nay cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản đã tăng vượt ngoài kỳ vọng của giới đầu tư. Và so sánh với các ngành khác thì cổ phiếu ngành này đang có tính thanh khoản cao.

Tăng ảo?

Ông Lê Đình Túc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, cho rằng cổ phiếu ngành bất động sản tăng là do nhà đầu tư kỳ vọng thị trường nhà đất sẽ ấm lại sau đợt đáo hạn ngân hàng (từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay - PV). “Trong thực tế thì dù kênh bất động sản đóng băng nhưng những công ty không vay vốn ngân hàng vẫn ăn nên làm ra. Thậm chí nhiều công ty còn chớp thời cơ mua lại những dự án đẹp để gia tăng giá trị. Nếu xét trung hạn thì tỷ suất lợi nhuận của những công ty biết nắm bắt thời cơ sẽ rất cao. Vì vậy, nhà đầu tư dựa vào lợi nhuận săn cổ phiếu ngành này cũng là điều dễ hiểu” - ông Túc nói.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Đăng Phương, Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần Nhà Việt Nam, giải thích thị trường bất động sản hiện nay chỉ tạm thời lạnh ở phân khúc căn hộ cao cấp. Riêng thị phần nhà ở cho người thu nhập trung bình vẫn “cháy” hàng. Như dự án nhà ở của Công ty Đất Lành, Nam Long hay dự án Phú Lợi-Sacomreal có giá từ 500 triệu đồng/căn vẫn nóng.

Để chứng minh cho việc các công ty kinh doanh nhà, đất đang hoạt động hiệu quả, ông Phương lấy dẫn chứng dự án Boat Club Residences (quận 9) của Nhà Việt Nam làm ví dụ. Dự án này vừa công bố bán 39 nền đất với giá 10-12 triệu đồng/m2 là đã bán hết ngay trong vài ngày. Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sacomreal, nhận định các nhà đầu tư mua cổ phiếu ngành bất động sản là đang chạy trước thị trường một bước. Lý do là khi kinh tế vĩ mô ổn định thì việc đầu tư bất động sản sẽ thu về lợi nhuận lớn. Thực tế, các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ hiện nay đang phát huy tác dụng. Và như thế nhận định của nhà đầu tư mua cổ phiếu nhà, đất là có cơ sở.

Tuy nhiên, dưới góc độ là người trong cuộc, am hiểu thị trường nhà đất, ông Trần Hữu Chinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Fideco, cho rằng cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản tăng nóng gần 50% như hiện nay là có vấn đề. Theo ông Chinh, mức tăng phản ánh đúng giá trị chỉ khoảng 10%-15%. Lý do ông Chinh đưa ra là kênh nhà đất đang ở giai đoạn khốc liệt của thời kỳ đáo hạn. Sở dĩ hiện nay các nhà đầu tư nhà, đất còn cầm cự được là do kênh chứng khoán khởi sắc đã tạo nguồn tiền, tháo ngòi nổ thúc nợ phía ngân hàng.

Một lý do nữa là nguồn vốn tín dụng vẫn đóng, chưa mở hầu bao cho đông đảo người có nhu cầu vay mua nhà. Đặc điểm của thị trường nhà đất Việt Nam là người mua có 30% vốn tự có, còn lại 70% vay ngân hàng. Vì thế, trong lúc ngân hàng vẫn kiểm soát chặt việc cho vay đầu tư bất động sản và còn chịu “vòng kim cô” chỉ được tăng trưởng 30% tín dụng thì không thể có nhiều thông tin tốt để cổ phiếu ngành bất động sản tăng nóng như trên.

Theo Pháp Luật TP