Bộ Tài chính đã giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắt, thép xuống còn 10%. Đây là nội dung Quyết định số 81/2008/QĐ-BTC ngày 22/9/2008 của Bộ Tài chính.
Tính về thời gian, thì trong vòng chưa đầy 90 ngày, Bộ Tài chính đã có tới… 3 lần điều chỉnh mức thuế xuất khẩu hàng sắt thép.
Cụ thể, cuối tháng 6/2008, Bộ đã tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này từ 2% lên 10%, tăng tiếp lên mức 20% vào đầu tháng 8/2008 và sau đó lại giảm xuống còn 10% như quyết định mới ban hành.
Rối rắm và không hiệu quả!
Hiếm quốc gia nào có sự thay đổi đến “chóng mặt” trong chính sách quản lý xuất khẩu thép như Việt Nam. Trong chưa đầy 90 ngày, VN đã 3 lần thay đổi mức thuế xuất khẩu thép chỉ nhằm mục đích góp phần bình ổn thị trường thép trong nước, tránh thất thoát tiền thuế cho Nhà nước qua hoạt động xuất khẩu phôi thép.
Đáng tiếc, mục đích “tốt đẹp” ấy, biện pháp quản lý… nhanh chóng ấy, lại không phát huy hiệu quả như ý muốn. Thậm chí là đang làm trầm trọng thêm những vấn đề hạn chế của thị trường thép, ngành thép Việt Nam. Nếu không nói đó là thất bại, thì cũng phải thừa nhận đó là thất vọng lớn xét từ góc độ quản lý Nhà nước.
Thời điểm đầu tháng 6/2008, giá phôi thép chào bán trên thế giới tăng cao tới mức hơn 1.000 USD/tấn. Khi đó, lượng phôi thép về Việt Nam do các DN ký hợp đồng nhập khẩu trước đó vài tháng có giá thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, do bị tác động bởi những biện pháp hạn chế lạm phát, nhu cầu thép thị trường xây dựng trong nước đã giảm mạnh. Phương án nhập phôi tiêu thụ trong nước đã không còn khả thi.
Giải pháp duy nhất khi ấy của các DN để tránh thiệt hại, đồng thời tranh thủ thu lợi nhuận là nhanh chóng, ồ ạt tổ chức tái xuất phôi thép khỏi Việt Nam. Tháng 5/2006, các DN đã xuất khẩu hơn 67.000 tấn phôi thép. Chỉ trong tháng 6/2008, các DN đã đẩy lượng phôi thép xuất khẩu lên… trên 305.000 tấn.
Sự tăng vọt sản lượng phôi thép xuất khẩu đã không được tổng kết, đánh giá, dự báo đúng mức. Có nhiều ý kiến lo ngại giá thép thị trường trong nước sẽ tăng cao vì khan hiếm phôi (đã xuất khẩu hết). Do vậy, thuế xuất khẩu phôi thép đã được điều chỉnh tăng từ 2% lên 10%, và sau đó là 20%.
Sản lượng phôi xuất khẩu đã giảm mạnh trong tháng 8/2008. Các DN kinh doanh phôi gặp khó khăn cực lớn về tài chính do bị tồn đọng phôi thép lên tới trên 45.000 tấn, giá trị trên 1.000 tỷ VNĐ.
Trong khi đó, giá phôi thép thế giới không những đã không tăng, mà lại giảm xuống mức trên dưới 900 USD/tấn.
Có nghĩa là biện pháp tăng thuế đã không phát huy hiệu quả, vì nhu cầu thép trong trong nước vẫn không tăng, còn DN thì thiệt hại nặng vì không còn lãi khi xuất khẩu phôi, nhưng vẫn chịu đủ các chi phí tài chính phục vụ kinh doanh phôi.
Cần chiến lược dài hơi!
Theo phản ánh từ Cty CP thép Đình Vũ, hiện giá nguyên liệu đầu vào (thép phế liệu) để sản xuất phôi của Cty đang là sấp xỉ 700 USD/tấn. Tính cả các chi phí sản xuất như điện, nước, nhân công… thì giá thành sản xuất phôi của Cty CP thép Đình Vũ sẽ là trên dưới 900 USD/tấn.
Trong khi đó, giá phôi thép chào trên thị trường thế giới đang ở mức trên dưới 620 USD/tấn - rẻ hơn trên 150 USD/tấn so với giá phôi sản xuất trong nước.
Như vậy, việc giảm thuế xuất khẩu phôi xuống còn 10% mà Bộ Tài chính vừa ban hành không có giá trị đưa sản xuất của Cty CP thép Đình Vũ - cũng như các DN ngành thép khác - khỏi khó khăn.
Dĩ nhiên, việc tăng, hay giảm thuế xuất khẩu phôi thép không là sản phẩm “cao hứng” nhất thời của ngành chức năng, mà là kết quả cụ thể của việc tính toán, lựa chọn.
Và vì thế, câu hỏi phải đặt ra là: Bộ Tài chính đã “tính” như thế nào để đưa ra mức thuế 10% với phôi thép xuất khẩu, dù DN đang phản ánh giá thành sản xuất phôi trong nước thậm chí đang cao hơn giá phôi chào bán trên thế giới? Theo một DN, câu trả lời sẽ bao gồm hai nghĩa.
Thứ nhất: quan điểm quản lý cho rằng giá phôi thép thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, nên cần duy trì thuế xuất khẩu ở mức cao.
Thứ hai: các ngành quản lý không “cần” tham khảo giá thành sản xuất phôi hiện tại do các DN “báo cáo”.
Cần nhắc lại, công văn ngày 15/9/2008, Hiệp hội thép Việt Nam đã đề nghị giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống mức 5%, nhưng Bộ Tài chính đã “quyết” ở mức 10%.
Tính hợp lý, hợp thời của các đề nghị, quyết định này đến đâu sẽ thể hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, lần thay đổi mức thuế xuất khẩu thép lần này tiếp tục là thể hiện cụ thể những bất ổn trong phát triển ngành thép Việt Nam.
Đó là các mục tiêu quy hoạch phát triển ngành thép tới năm 2020 đã lỗi thời sau khi ban hành. Mà ngay thực tế trong thời gian gần đây, lượng đầu tư vào ngành thép tăng đột biến với mức trên 20 tỷ USD vốn đăng ký đã đòi hỏi Nhà nước cần nhanh chóng thay đổi quan điểm quản lý và xây dựng các cơ chế, chính sách mới đối với ngành này.
Đó là thực tế đã đặt ra từ số hơn 40 triệu tấn công suất thiết kế và hơn 20 tỷ USD vốn đăng ký, dù rằng những cam kết ấy của các dự án có thể chưa thành hiện thực trong vài năm trước mắt.
Vấn đề đặt ra là, không thể có một ngành thép phát triển nhanh với chất lượng cao chỉ với những cơ chế chính sách ban hành vội vã, mang tính thời điểm.
www.DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp