Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chính do quy hoạch manh mún, vụn vặt, không chú trọng đến cốt nền... là một trong những nguyên nhân khiến việc thoát nước của Hà Nội không được liên thông mạch lạc.
* Là một chuyên gia về xây dựng, ông có thể nói gì về tình trạng chỉ sau một trận mưa mà Hà Nội bị lụt mất mấy ngày liền?
- Mưa gió là chuyện hết sức bình thường. Trận mưa vừa rồi to quá thành ra thiên tai khiến cho người dân và chính quyền đều lúng túng.
Nhưng đáng lưu ý ở đây là qua trận úng ngập này đã làm bộc lộ ra những nhược điểm của cả hệ thống thoát nước mưa của thành phố Hà Nội.
Thiên tai là điều bất khả kháng, nhưng giảm thiểu tác hại của thiên tai là trách nhiệm của chính quyền thành phố, của chính quyền các đô thị nói chung.
* Nhược điểm của hệ thống thoát nước đô thị tại Hà Nội như ông vừa nói là gì vậy?
- Có hai nhược điểm bộc lộ rất rõ. Đó là nhược điểm của toàn bộ hệ thống thoát nước Hà Nội và úng ngập cục bộ.
Mọi người đều thấy đấy. Trên cùng một đoạn đường, có chỗ ngập, chỗ không chứ không phải là ngập hết như những vùng thấp, trũng. Đây là những vấn đề tôi nghĩ rằng, lãnh đạo thành phố cần phải nghiên cứu, đánh giá thấu đáo sau trận lụt này.
"Lo" khai thác đất, sao nhãng quy hoạch hạ tầng
* Ông lý giải thế nào về việc người dân sống tại các khu phố cổ thường không phải chịu cảnh ngập, lụt như những khu mới quy hoạch, xây dựng gần đây?
- Thời Pháp không biết người dân có phải chịu những trận mưa như mấy hôm vừa rồi hay không thì tôi cũng không biết.
Rõ ràng, ngay như trận mưa lớn như thế này, nhưng khu vực phố cổ (được xây thời Pháp) cũng không bị ngập, lụt gì hết, mà chỉ có nhưng khu phố xây sau đó là bị ngập thôi. Mà không chỉ có trận mưa hôm vừa rồi mới ngập đâu. Nhiều nơi, cứ mưa một cái là ngập hết cả.
Vì sao lại như thế, theo tôi quan sát, người Pháp ngày xưa đã chọn khu đất cao ráo nhất của thành phố Hà Nội để xây dựng. Cho nên là những khu ấy có cốt nền cao nhất của thành phố.
Còn ngày nay chúng ta đã mở rộng thành phố thêm ra ngoài rất nhiều và đi xuống những nơi có cốt nền càng ngày càng thấp hơn. Đặc biệt là những nơi mà ngày xửa ngày xưa là đồng ruộng với cốt nền rất thấp, thì ngày nay cũng đã có các khu đô thị mọc lên.
* Phải chăng, các nhà quy hoạch đã "quên" không tính đến điều này?
- Thông thường trong quy hoạch bao giờ cũng phải có đủ cả, nào là quy hoạch thoát nước, quy hoạch cấp nước... nói chung là quy hoạch hạ tầng.
Thế nhưng điểm quy hoạch hạ tầng này thường ít được chú ý. Người ta chỉ chú ý đến việc khai thác sử dụng đất đai là chính. Họ chú ý đến nhiều hơn đến việc làm con đường nào, đi hướng nào nhiều hơn là chú ý đến việc thoát nước ra làm sao. Việc thoát nước mưa cơ bản là để tự chảy, tự thẩm thấu vào đất.
Thêm vào đó, như tôi đã nói, cốt nền vốn dĩ là một đối tượng phải quy hoạch, phải nghiên cứu kỹ lắm. Song lâu nay ta ít chú ý, kể cả những người nghiên cứu về cốt nên lâu nay cũng chưa làm đến đầu, đến đũa.
Mặt khác, việc xây dựng các khu đô thị mới, như nước ngoài, người ta thường xây tập trung các khu này thành một dải liên thông. Có làm như vậy thì khi xây dựng kết cấu hạ tầng nó mới thuận tiện và rẻ được.
Chẳng hạn như hệ thống thoát nước và đường giao thông có thể làm liên thông từ khu này tới khu khác mới thành hệ thống hoàn chỉnh và rẻ hơn rất nhiều so với việc xây mỗi nơi một khu, một kiểu.
Đấy, khâu thực hiện quy hoạch này của ta đã không được nghiên cứu kỹ lưỡng là một nhược điểm vô cùng lớn. Các khu đô thị thì phân tán rải rác, mỗi nơi một ít.
Xảy ra úng ngập, trách nhiệm cao nhất là của UBND TP Hà Nội
* Nhưng Hà Nội đã đổ khá nhiều tiền để cải tạo, khơi thông dòng chảy của một số sông, mương thoát nước?
- Đúng là Hà Nội đã bỏ không ít tiền để gia cố, nạo vét rồi kè, bê tông hóa một số tuyến sông, mương. Thậm chí chỗ hồ Yên Sở còn xây dựng hẳn một trạm bơm điều tiết.
Nhưng quả thực hệ thống kênh mương dẫn nước thải trong nội thành vẫn cải tạo chậm quá, không đáp ứng kịp nhu cầu. Thành ra hệ thống đó không kết nối thông suốt được.
* Thưa ông, cũng có người nói rằng, việc bê tông hóa đô thị cũng phần nào khiến cho nước mưa khó thẩm thấu gây úng ngập?
- Tôi không nghĩ như vậy. Quốc gia nào thì cũng phải bê tông hóa hết. Làm như vậy để thành phố sạch sẽ, giảm thiểu bụi.
Ví dụ hồi xây quảng trường Ba Đình, trước đó người ta định bê tông hóa hoàn toàn, nhưng sau đó chúng ta đã xây rất nhiều các ô cỏ. Thực chất những ô cỏ này không phải được làm để thấm nước mà chính là để chống nóng.
Việc bê tông hóa trong đô thị không nên than phiền sẽ gây úng ngập. Điều quan trọng là phải tính toán làm sao để có diện tích mặt nước hợp lý nhằm giảm lụt, điều hòa tạm thời.
* Vậy việc để xảy ra ngập lụt mấy ngày nay tại Hà Nội theo ông là trách nhiệm của các nhà quy hoạch hay của lãnh đạo thành phố?
- Nhiều nguyên nhân lắm. Thứ nhất, ai là người chi tiền, ai là người làm kế hoạch, ai là người thực hiện? Ngoài ra, về cốt nền như tôi đã nói ở trên, tại sao có hiện tượng cùng một con phố mà đoạn này ngập, đoạn kia thì không?
Hay một vấn đề khác, cốt nền đó vì sao thấp, ai đó chủ tâm làm thấp hay là khi thi công người ta ăn bớt, ăn xén nguyên vật liệu...? Mà đơn vị khống chế cốt nền thì không ai khác chính là Sở quy hoạch kiến trúc, và đơn vị thực hiện là ngành giao thông công chính.
Rồi còn việc quy hoạch xây dựng mỗi nơi một khu đô thị rải rác để rồi không xây dựng được hệ thống thoát nước liên thông là ai và còn liên quan cả đến khâu cấp phép xây dựng nữa chứ....
Do đó, tôi cho rằng trách nhiệm cao nhất, chính là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News