Top

Tuyến Metro TP.HCM đội vốn gấp rưỡi: Bộ trưởng Thăng thêm đúng?

Cập nhật 28/09/2014 14:24

Tuyến metro số 2 có nguy cơ đội vốn gấp 1,5 lần so với mức ban đầu, do trượt giá và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế.

TP.HCM vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến độ các dự án đường sắt đô thị, trong đó tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) bị chậm 2 năm so với kế hoạch đã được phê duyệt.

Nguyên nhân bị chậm được lý giải là do điều chỉnh thiết kế làm ảnh hưởng đến việc đấu thầu, công bố giải phóng mặt bằng, phương án tái bố trí hạ tầng kỹ thuật để các quận thu hồi đất và giải phóng mặt bằng.

Việc chậm tiến độ có thể kéo theo tổng mức đầu tăng. Theo báo cáo, sau khi thực hiện thiết kế nền tảng tổng mức đầu tư dự kiến tăng khoảng 784 triệu đô la Mỹ, (tăng từ 1,3 tỉ đô la Mỹ lên 2,1 tỉ đô la).

Nguyên nhân tăng vốn là do trượt giá bởi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt từ năm 2010 đến năm 2014 khi thực hiện thiết kế nền tảng đã có nhiều thay đổi và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế.

Tuy nhiên, mức tăng này mới chỉ là dự tính do đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đề xuất. Chính quyền TPHCM đã yêu cầu chủ đầu tư rà soát kỹ làm rõ từng nội dung phát sinh. Trên cơ sở đó UBND TPHCM sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương trước khi trình Chính phủ xem xét điều chỉnh dự án.

Sơ đồ tuyến metro số 2 tại TP HCM. Ảnh: BQL Đường sắt đô thị TP HCM.

Tuyến metro số 2 là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM, giai đoạn 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương có chiều dài 11 km, tổng mức đầu tư theo dự toán trước đây là 26.116 tỉ đồng (tương đương 1,3 tỉ đô la Mỹ).

Theo kế hoạch, dự án sẽ được phê duyệt thiết kế nền tảng vào tháng 12/2014. Năm 2015 sẽ tiến hành đấu thầu, năm 2016 khởi công. Dự kiến hoàn thành thi công vào năm 2019, vận hành chạy thử, khai thác vào năm 2020.

Trước đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đang được xây dựng cũng đội vốn từ hơn 1 tỉ đô la Mỹ lên 2,4 tỉ đô la. Nguyên nhân tăng vốn của dự án này được các chính quyền TPHCM cho biết là do trượt giá và do chưa có kinh nghiệm trong lập dự án nên còn thiếu nhiều hạng mục.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GTVT, hiện có 16 dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại Hà Nội và Tp.HCM, tất cả các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 3 - 5 năm và đội vốn từ 60 - 170%. Nguyên nhân là do nghẽn trong giải phóng mặt bằng và việc điều chỉnh các hạng mục thiết kế khả thi.

Thậm chí, có dự án dù mới rà soát lại trên giấy tờ đã phải điều chỉnh mức đầu tư tăng gấp đôi. Một trong các nguyên nhân chậm tiến độ dự án là do thực hiện giải phóng mặt bằng chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương thiếu quyết liệt.

Một trong những dự án gây xôn xao dư luận gần đây là dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ tháng 10/2008, có TMĐT 8.770 tỷ đồng, nhưng hiện đang được rà soát để điều chỉnh TMĐT thêm 339,06 triệu USD, tăng TMĐT dự án lên 891,92 triệu USD (tăng 61% so với phê duyệt dự án ban đầu).

Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết một số nguyên nhân làm chậm tiến độ và phát sinh mức đầu tư như: Một số khoản kinh phí phải bổ sung, thí dụ bổ sung xử lý hạng mục Depot là 13 triệu USD; kinh phí làm đường tránh quốc lộ 6 là 1,94 triệu USD; kinh phí bổ sung đào tạo chuyển giao công nghệ là 2,9 triệu USD...

Bên cạnh đó còn do trượt giá ngoại tệ, tại thời điểm ký kết dự án thì 7,1 Nhân dân tệ quy đổi ra 1 USD, nhưng tới nay thì 7,1 Nhân dân tệ quy đổi ra 1,2 USD. Nếu tính chi tiết thì riêng phần trượt giá này đã khoảng 16% giá trị đầu tư ban đầu.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: "Tiến độ của dự án chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân chính là tiến độ giải phóng mặt bằng chậm".

Còn tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt tháng 11/2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng chỉ mới rà soát lại trên giấy tờ cũng đã đội vốn. Cụ thể, ngay sau khi ký kết dự án, việc rà soát lại đã dự kiến tổng mức đầu tư tăng khoảng 51.750 tỷ đồng (gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu). Hiện dự án này cũng đang bị chậm tiến độ 3 năm. Dự án này đang được Chính phủ và Bộ KHĐT thuê thẩm tra độc lập để xem xét việc tăng mức đầu tư kể trên.

Đối với tuyến Nhổn - ga Hà Nội tiến độ cũng bị kéo chậm do liên tục vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, số tiền chi cho dự án dù đã đội lên cả trăm tỷ đồng, nhưng không ai dám chắc mốc hoàn thành dự án cuối năm 2018 có đạt được không?

Ngày 12/9, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã làm việc với Hà Nội, TP HCM "mổ xẻ" các nguyên nhân chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị, Bộ Trưởng cho rằng, do chưa có tiền lệ thực hiện dự án đường sắt, cũng như chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp nên phải điều chỉnh sau này.

Ngày 27/9, Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện 6 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội và TPHCM, nêu rõ các nguyên nhân chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt