Top

Từ 2015, người Hà Nội sẽ đi tàu điện trên cao

Cập nhật 22/05/2013 10:37

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1/3/2015, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sẽ được đưa vào vận hành chạy thử. Sau đó, sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ 1/6/2015.

Thông tin trên được ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21/5.

Như vậy, nếu hoàn thành đúng tiến độ, đến giữa năm 2015, người dân Hà Nội sẽ được sử dụng tàu điện trên cao trong việc đi lại. Tuy nhiên, dự định trên đang có nguy cơ không thể hoàn thành do công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đang gặp khó khăn.

Công tác giải phóng mặt bằng lại đang cản trở công trình trọng điểm

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau hơn 1 năm thi công đang có nguy cơ chậm tiến độ so với yêu cầu do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại các quận Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân.

"Hạng mục xây dựng bãi đúc dầm và xử lý nền đất yếu trong khu nhà ga (Depot) chậm tiến độ nhiều nhất là khoảng 2 tháng," ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Theo báo cáo, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, dự tính hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào đầu năm 2015 và đến quý I/2015 sẽ vận hành chính thức tuyến đường sắt trên cao này.

Hiện dự án đã thi công được 252 thân trụ cầu (57% khối lượng), 73% cọc khoan nhồi, 57% bệ trụ và hoàn thành 50% khối lượng công tác xử lý nền đất yếu và san lấp mặt bằng 8,2ha trong khu nhà ga, đồng thời các nhà thầu cũng đang triển khai thi công kết cấu phần dưới 5 nhà ga gồm: La Thành, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, Hà Đông, La Khê…

Theo dự tính, đến tháng 6/2015, người Hà Nội sẽ được đi lại trên tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, dự án đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành đúng tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn trong việc di dời nghĩa trang Vân Nội trên địa bàn quận Hà đông, công tác bàn giao mốc giải phóng mặt bằng qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, hạ ngầm đường điện cao thế đoạn La Thành – Láng…

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là mới giải phóng được 9,2km/13,5km. Các đường dây điện 110KV và 220KV đoạn từ ga La Thành đến đường Láng chưa hoàn thành,” ông Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông cho biết, để đẩy nhanh tiến độ của dự án, hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Tuy nhiên, công việc này đang gặp một số khó khăn nhất định trong việc di dời các ngôi mộ ở nghĩa trang Vân Nội.

Để công tác giải phóng mặt bằng sớm hoàn thành, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ dự án, ông Sơn kiến nghị, Ban Quản lý dự án đường sắt cần bố trí đủ kinh phí theo tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ toàn dự án xong cơ bản trong tháng 6 và kết thúc trong năm 2013.

Sẽ cử người đi đào tạo từ tháng 6 năm nay

Tại buổi họp báo, để chuẩn bị cho việc vận hành tàu điện trên cao được an toàn và thuận lợi, ông Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đơn vị này đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thành lập ngay Công ty Quản lý khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoặc giao cho một đơn vị có đủ chức năng của thành phố tiếp nhận tiểu dự án đào tạo nhân lực được tách ra từ dự án chính và tổ chức tuyển dụng nhân lực theo tiêu chuẩn của dự án để gửi đi đào tạo bắt đầu từ tháng 6 năm nay, theo đúng kế hoạch do Tổng thầu EPC lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời kiến nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo quyết liệt các địa phương, đơn vị liên quan tích cực thực hiện giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ mặt bằng cho dự án theo đúng kế hoạch đã xác định. Sớm phê duyệt quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực 47 Cát Linh và nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh (trong đó có ga Cát Linh).

Sở Xây dựng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội sớm xem xét và có ý kiến về thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công các trụ thuộc phạm vi lòng sông Tô Lịch và các trụ trong hồ Hào Nam, tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai thi công, để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ...

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, có chiều dài toàn tuyến khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao. Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.

Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở  từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến...


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia