Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ thí điểm làm căn hộ có diện tích dưới 30 m2.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Nam khẳng định: “Mặc dù vấn đề căn hộ bé còn đang gây tranh cãi, nhưng cá nhân tôi ủng hộ căn hộ loại này. Quan điểm như thế nào là nhà ổ chuột, cần phải xem lại. Nếu căn hộ bé mà vẫn đảm bảo được sinh hoạt như chỗ ăn, ngủ, vệ sinh, phòng chống cháy nổ, kết nối hạ tầng hoàn thiện thì cớ gì chúng ta lại phản đối. Trong khi ở TP. HCM và Hà Nội, nhiều hộ gia đình chỉ có 15 - 30 m2 vẫn là chỗ ở cho cả chục người. Hoặc ở Hà Nội, có hàng loạt nhà biệt thự ở khu vực Hồ Tây, nhà rất rộng nhưng hạ tầng giao thông, lối vào không đủ cho hai xe máy tránh nhau. Quan điểm của tôi là căn hộ bé nhưng đảm bảo các điều kiện tối thiểu, chẳng hạn như dự án căn hộ bé của Đất Lành có cả bể bơi, hạ tầng khuôn viên thoáng mát thì không thể gọi là căn hộ ổ chuột được. Bộ Xây dựng sẽ triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ bé thành từng khu và kết nối hạ tầng đồng bộ, chứ không phải dạng chung cư mi ni”.
Sắp tới, có thể trong mỗi block nhà cũng phải dành quỹ đất cho nhà ở xã hội - Ảnh: Lê Toàn
|
Để căn hộ bé sớm được triển khai một cách bài bản, Bộ Xây dựng cho biết, việc bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội (NƠXH) sẽ không đợi đến lúc ban hành Luật Nhà ở, mà sẽ được điều chỉnh ngay trong Nghị định về quản lý, phát triển NƠXH cho nhanh. Theo dự kiến, Luật Nhà ở sẽ được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ I/2014, dự thảo vào kỳ họp thứ II/2014 và đưa ra Luật mới vào kỳ họp thứ I/2015.
Ông Nam cho biết, khoảng đầu tháng 6/2013, Nghị định về Quản lý, phát triển NƠXH sẽ được ban hành. Theo đó, NƠXH bao gồm cả dự án nhà ở được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn khác, nhưng được Nhà nước hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, ưu đãi về vốn vay. Nghị định sẽ quy định rõ là nhà ở làm từ vốn ngân sách sẽ không được bán mà chỉ được thuê, thuê mua, nếu muốn bán phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện Hà Nội đang có khoảng 300 căn nhà ở được làm từ ngân sách nhà nước, con số ở TP. HCM cũng tương tự. Do vậy, số căn hộ tại R8/ Tô Hiến Thành (TP. HCM) do sử dụng vốn ngân sách sẽ không được bán mà phải chuyển sang hình thức thuê mua.
Liên quan đến quỹ đất dành cho NƠXH, ông Vũ Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề xuất bỏ quy định 20% quỹ đất NƠXH đối với các dự án cao cấp vì Nghị định 71 bắt buộc dự án có diện tích từ 10 héc-ta trở lên phải trích 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH. Trong khi đó, theo Luật Nhà ở thì nhà ở xã hội phải là chung cư. Như vậy, các dự án biệt thự cao cấp phải dành 20% diện tích đất để xây dựng chung cư làm NƠXH là không khả thi. Vì nếu dành 20% quỹ đất cho NƠXH tại các khu nhà ở dạng biệt thự cao cấp sẽ phá vỡ quy hoạch, kiến trúc của toàn khu. Thay vì bắt buộc phải dành 20% quỹ đất, Nhà nước có thể thay bằng hình thức khác như thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển sang một khu đất khác để cân đối.
Đồng quan điểm với ông Vũ Quang Hùng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng kiến nghị, không nên lấy 20% quỹ đất tại các khu đô thị xây dựng cao cấp như Phú Mỹ Hưng để xây NƠXH. Ông Châu viện dẫn, giá cả sinh hoạt tại các khu vực này thường rất đắt đỏ, ví dụ một tô phở giá 70.000 đồng thì liệu xây nhà xong người thu nhập thấp có dám vào ở hay không?
Bảo lưu quan điểm về NƠXH, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, đối với các dự án thực sự cao cấp như đề xuất của Sở Xây dựng Đà Nẵng, Chính phủ sẽ xem xét. Còn ở Phú Mỹ Hưng, không có lý gì cả 400 héc-ta đất lại không có chỗ cho người nghèo. Không có chuyện người nghèo là phải ra ngoại ô, phải xuống ruộng, sình lầy. Đối với NƠXH, muốn làm được nhà, đầu tiên phải có đất. Sắp tới, không chỉ quy định các dự án trên 10 héc-ta mà dưới 10 héc-ta, thậm chí trong mỗi block nhà cũng phải dành quỹ đất cho NƠXH. Theo ông Nam, việc chuyển 20% quỹ đất thành tiền không phải là phương án khả thi, bởi như tại Hà Nội, 100% tiền thu được từ các dự án không quay lại đầu tư cho NƠXH, mà hòa vào ngân sách chung của địa phương.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, số lượng NƠXH được dùng tiền ngân sách là quá ít ỏi so với nhu cầu thực tiễn và mục tiêu của Chính phủ. Vì thế, Chính phủ sẽ dùng chính sách và cơ chế để tạo điều kiện cho nhiều thành phần tham gia, nhưng sẽ thống nhất ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, vốn vay.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán