Cả 2 dự thảo nghị định đang được công bố để lấy ý kiến, Bộ Xây dựng và Bộ TN-MT đều mở lối thoát cho các công trình xây dựng sai phép. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại điều này sẽ phá vỡ các quy định của pháp luật.
Phải phạt thật nặng chủ công trình để họ thấy rằng nếu sai phạm thì chỉ có thiệt chứ không được lợi lộc gì. Mức phạt có thể bằng 100% chi phí đầu tư xây dựng và lợi nhuận từ phần sai phạm hoặc cao hơn nữa. Theo tôi, xử lý như vậy là vẹn cả tình lẫn lý. TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam |
Cho tồn tại
Bộ TN-MT đang lấy ý kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất. Theo đó, những công trình xây dựng nhà ở vượt số tầng được cấp phép, đã bàn giao cho người mua, sẽ được giữ nguyên trạng nếu UBND cấp tỉnh kết luận đảm bảo an toàn. Chủ công trình sai phạm sẽ phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất. Trường hợp các doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm nhà, rồi bán cho người mua khi chưa được phép, nhưng việc xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch thì được UBND cấp tỉnh công nhận chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm nhà ở.
Trong khi đó, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng mà Bộ Xây dựng tham mưu cũng cho phép công trình không phép và sai phép được điều chỉnh giấy phép xây dựng. Các điều kiện kèm theo là, công trình xây dựng phải phù hợp quy hoạch chung, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp. Chủ đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và nộp lại một phần lợi nhuận bất hợp pháp có được từ phần sai phạm (40 - 50%).
Tòa nhà Skyline Tower ở số 4 Đặng Dung (Q.Ba Đình, Hà Nội) xây thêm 8 tầng so với giấy phép (13 tầng) - Ảnh: Lê Quân
|
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, qua kiểm tra 16.233 công trình trên cả nước, phát hiện tới 3.028 trường hợp vi phạm. Trong đó có đến 1.688 vụ xây dựng không giấy phép. |
Đồng quan điểm, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng phải truy trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi để xảy ra sai phạm. Trước tiên là thanh tra các cấp xã phường, quận huyện vì đây là lực lượng trực tiếp phụ trách địa bàn. Nếu cấp lãnh đạo địa phương mắc sai phạm cũng cần phải xử lý nghiêm mới chặn được tận gốc sai phạm.
Trong khi đó, ông Trần Văn Can, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5), nêu thực tế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở nước ta rất phổ biến. Người làm nhà cứ cố tình sai phạm, cơ quan chức năng sẽ phạt rồi… để đấy đã thành “nếp sống xấu”. Tuy nhiên, nếu cương quyết đập bỏ thì cũng lãng phí tiền của xã hội, lại khổ người đã bỏ tiền mua nhà… Để đảm bảo quyền lợi người mua nhà, TS Phạm Sĩ Liêm đề xuất: "Phải phạt thật nặng chủ công trình để họ thấy rằng nếu sai phạm thì chỉ có thiệt chứ không được lợi lộc gì. Mức phạt có thể bằng 100% chi phí đầu tư xây dựng và lợi nhuận từ phần sai phạm hoặc cao hơn nữa. Theo tôi, xử lý như vậy là vẹn cả tình lẫn lý”.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên