Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016 - 2020), năm 2015, Hà Nội sẽ phát triển thêm 811.936m2 sàn nhà ở xã hội (NƠXH); 95.429m2 sàn nhà ở cho công nhân thuê; 59.971m2 sàn nhà ở sinh viên; 221.100m2 sàn nhà ở tái định cư và 2.420.200m2 sàn nhà ở thương mại.
Cùng với việc đặt kế hoạch cụ thể cho từng năm, TP cũng đã rà soát nhu cầu thực tế và có những điều chỉnh đối với từng phân khúc nhà ở để tránh lãng phí, dư thừa.
Lập kế hoạch để kiểm soát tốt hơn
Mục đích của việc xây dựng Kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở tại Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Kiểm soát công tác phát triển nhà ở năm 2015 và các năm tiếp theo trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Hùng Văn.
|
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng 165,3 triệu m2 nhà ở; diện tích bình quân đầu người đạt khoảng 22,7m2/người. Trong đó khu vực đô thị đạt 26,4m2/người, khu vực nông thôn đạt 19,1m2/người. So với yêu cầu đặt ra tại Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2015 của Hà Nội đạt được mục tiêu 23,1m2/người, tuy nhiên một số chỉ tiêu diện tích về nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, nhà công vụ và nhà ở tái định cư chưa đạt mục tiêu.
Để tránh đầu tư lãng phí, tồn kho, trên cơ sở thực trạng và nhu cầu thực tế về các phân khúc NƠXH, nhà công vụ, nhà tái định cư, UBND TP đã xác định, nhu cầu thực tế đối với nhà ở công nhân thuê đến năm 2015 là 485.034m2, giảm so với Chương trình của Chính phủ hơn 1,2 triệu m2. Nguyên nhân do số lượng công nhân, lao động thực tế đang làm việc tại 8 khu công nghiệp là 138.581 người; trong đó công nhân làm việc tại các cụm công nghiệp là người dân đã có nhà, đất tại địa phương, không có nhu cầu thuê nhà. Đối với nhà công vụ, TP đánh giá nhu cầu thực tế thuê trong năm 2015 là không có, do đối tượng thuộc TP Hà Nội quản lý không có nhu cầu thuê. Hiện TP đã đầu tư 900m2 sàn nhưng chưa có đối tượng thuê.
Rà soát quỹ đất 20%
Nhằm đưa ra những giải pháp căn cơ cho Kế hoạch phát triển nhà ở, đối với công tác quy hoạch, TP xác định phải đẩy nhanh công tác tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch. Các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch điểm dân cư nông thôn... đã được phê duyệt sớm được công khai. Đồng thời cân đối nhu cầu NƠXH tại các quận, huyện, thị xã, đảm bảo phân bố hợp lý trên địa bàn theo quy hoạch. Để chủ động về quỹ đất cho phát triển nhà ở, cùng với việc rà soát quy hoạch các trường di dời ra ngoại thành, các khu - cụm công nghiệp, TP cũng tiến hành rà soát các khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (đối với một số dự án tỷ lệ này là 25%) để xây dựng NƠXH, nhà công thuê, nhà ở học sinh, sinh viên.
Cùng với đó, TP sẽ khẩn trương kiểm tra, rà soát và phân loại các dự án đã được chấp thuận, cho phép đầu tư và số liệu hàng tồn kho trên địa bàn. Căn cứ vào tiêu chí rà soát phân loại các dự án tại Thông tư liên bộ số 20/2013/TT-BXD của liên bộ Xây dựng - Nội vụ và quy hoạch đô thị, các chỉ tiêu phát triển nhà ở, TP sẽ xác định các dự án được tiếp tục triển khai, tạm dừng, cần điều chỉnh.
Về tổ chức thực hiện, một trong các biện pháp đã được TP xác định là tăng cường đầu tư xây dựng căn hộ thương mại có diện tích vừa và nhỏ, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân. Quỹ nhà này phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch - kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Để khắc phục tình trạng thiếu quỹ nhà phục vụ tái định cư, UBND TP sẽ ban hành cơ chế quy định về việc mua nhà ở thương mại, hỗ trợ giới thiệu người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư và cơ chế đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư theo hình thức đầu tư trực tiếp, xây dựng - chuyển giao (BT). Theo số liệu thống kê, so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện TP còn thiếu 1,2 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT